Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 diễn ra hôm nay (24/6).

leftcenterrightdel
Theo Phó Thủ tướng, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương phải nhận thức rõ  hơn về trách nhiệm của mình trong việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Ảnh:VGP 

Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực, chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi là 1 trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư với tỷ lệ vốn đầu tư phát triển được bố trí từ ngân sách trung ương, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KT-XH của đất nước, hỗ trợ sinh kế và bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vốn là vùng “lõi nghèo” của cả nước.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cơ bản thống nhất với ý kiến của các thành viên BCĐ và đánh giá cao Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đã tích cực chuẩn bị nội dung cho cuộc họp. BCĐ Trung ương đã thực hiện tốt công tác điều phối hoạt động của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong tổ chức triển khai kế hoạch đề ra. 

Về các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp tốt với nhau hơn nữa, quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện chương trình ngay từ tháng 10/2021.

leftcenterrightdel
Mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2030 là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Ảnh:VGP 

Đồng thời, có cơ chế khuyến khích khởi nghiệp, đào tạo nghề cho phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Các ngân hàng tích cực vào cuộc để cho người dân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các ban, ngành để chương trình này thực sự hiệu quả, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được nâng cao.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH, Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi đóng một vai trò vô cùng lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa.

Vì vậy, các bộ, ngành thành viên BCĐ Trung ương, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan liên quan phải nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình trong việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, phấn đấu thực hiện ngay từ đầu quý IV/2021, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân tộc.

Còn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho hay, Ủy ban đang phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu phục vụ Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư chương trình theo quy định.

Ủy ban Dân tộc ban hành tiêu chí xác định xã, thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi và phân định xã, thôn theo trình độ phát triển; đồng thời chủ trì, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi phân định theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025; xây dựng tiêu chí, định mức, nguyên tắc phân bổ vốn thực hiện chương trình trong trung hạn và hàng năm.

Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50%  số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025, tối thiểu là 147.052 tỉ đồng. Căn cứ kết quả thực hiện giai đoạn 1, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030.


Nguyễn Anh