“Sài Gòn giờ chỉ còn một điểm ngập duy nhất đó là… toàn thành phố”, một câu nói vui của các phóng viên làm mảng giao thông công chính nhưng sao vận vào cơn mưa sáng 1/10 đúng quá! Chỗ nào cũng ngập!... Nguyên nhân ngập từ đâu?
 
 
Hàng ngàn người lũ lượt gồng gánh bì bõm trong làn nước đen kịt trên đường Kinh Dương Vương khu vực bến xe miền Tây (Bình Tân) khi khu vực này mênh mông nước. những chiếc xe khách bị ngạt nước chết máy được chủ xe huy động người đến nhờ đẩy. Hàng trăm phương tiện xe hai bánh nối đuôi nhau nhích từng bước hì hục đẩy đẩy, đạp đạp. Trong khi toàn bộ bến xe miền Tây chìm trong biển nước, hành khách đón xe co ro trong hiên nhà chờ để được leo lên xe nhưng xe thì không chạy ra được ra khỏi bến.
 
Khổ nhất là học sinh và người dân tại khu vực đường Âu Cơ (Tân Bình) và đường Hòa Bình, Khuông Việt (quận 11). Dường như vỉa hè và lòng đường không còn phân biệt được khi nước trắng xóa. Có những điểm nước cao gần 1m.
 
“Sài Gòn giờ chỉ còn một điểm ngập duy nhất đó là… toàn thành phố”, một câu nói vui của các đồng nghiệp làm mảng giao thông công chính nhưng sao vận vào cơn mưa sáng 1/10 đúng quá! Chỗ nào cũng ngập! 17h, khi cơn mưa chiều ngớt, quay về quận 1 đón con tan trường đi qua các tuyến đường Cô Bắc, Cô Giang, Trần Đình Xu… nước như muốn cuốn trôi cả hai cha con.
 
Nguyên nhân ngập từ đâu?
 
Mưa lớn lại đúng đỉnh điểm của triều cường đầu tháng 10 kết hợp với xả lũ từ các thủy điện trên sông Sài Gòn, Đồng Nai nên khi nước ngập đường, tràn vào nhà dân không thể rút ra các con sông, kênh nhanh chóng nên gây ngập. Ngoài các “lý do” trên tình trạng các công trình thi công chống ngập ì ạch  đã cản dòng chảy để nước rút cũng là một nguyên nhân.
 
Tại khu vực cửa xả số 4 trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2), đơn vị thi công xây dựng đường tỉnh lộ 25B - Gói thầu xây lắp 3. Chủ đầu tư Công ty CP Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã đổ bùn đất san lấp cửa xả số 4 làm lượng nước mưa ở khu vực này không có lối thoát gây ngập cao từ 30-40cm. Tại đường Lương Định Của, dự án xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm đã san lấp mặt bằng, thu hẹp cửa xả, bùn lắng đọng cửa xả làm tuyến đường này cũng rơi vào cảnh ngập tương tự đường Nguyễn Thị Định.
 
Tại khu vực nội thành, người dân ở các tuyến đường Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Lý Chính Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Quang Diệu, Lê Quý Đôn… than trời vì những đoạn đường này ngày xưa ít khi bị ngập nhưng nay lại lênh láng nước.
 
Tìm hiểu về các tuyến đường này được biết, các công trình thi công Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè thi công các công trình thoát nước đã làm sụp vách và trần cống vòm làm đất đá tràn vào lòng cống gây tắc nghẽn dòng chảy. Một số cống sau khi sửa chữa đã không thay thế đúng nguyên trạng hoặc lớn hơn mà dùng các loại cống nhỏ hơn nên dòng chảy thoát chậm.
 
Đặc biệt có một số dự án trong lúc thi công đã dùng bao cát bịt kín cống xả làm nước dâng và không rút được tại các tuyến đường nội đô. Cũng với dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, những đoạn đường Nguyễn Kiệm, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Đình Phùng (Phú Nhuận, Bình Thạnh), đơn vị thi công đã đấu nối lệch cống thoát, làm bể cống gây ngập vào nhà dân.
 
Còn nhiều công trình trên lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, lưu vực Nam Tham Lương…, các đơn vị thi công cũng làm hư hỏng cống cũ, cống thay mới không đúng tiêu chuẩn nên nước cứ dâng lên đường mà không thoát được.
 
Chống ngập thì nhiều nhưng ngập vẫn hoàn ngập
 
Không phải đợi đến khi mùa mưa bão 2012 đến, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập thành phố mới triển khai các đơn vị vận hành các biện pháp chống ngập. Trong bản báo cáo dài nhiều trang, Trung tâm chỉ điểm được 10 tuyến đường bị ngập trong đó có 5 điểm ngập do cơn mưa lớn (Hòa Bình, Âu Cơ, Đồng Đen, Bàu Cát, Trương Công Định), 4 điểm ngập do mưa kết hợp với triều cường (Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Phan Đình Phùng, Phan Anh) và 6 điểm ngập do triều cường: Lương Định Của (quận 2) Phú Định (quận 8) Kha Vạn Cân (Thủ Đức) Bình Quới (Bình Thạnh) Huỳnh Tấn Phát (quận 7, Nhà Bè) quốc lộ 50 (Bình Chánh).
 
Người dân rên xiết vì sống với cảnh ngập lụt quanh năm, hết lo triều cường ngập, mưa lớn ngập rồi đến xả lũ từ thượng nguồn về ngập nên trong nhiều năm Trung tâm chống ngập đã triển khai thực hiện các giải pháp xóa, giảm ngập cấp bách và các công trình thoát nước mang tính trọng điểm hoàn thành trước mùa mưa, triều cường để mong muốn không nghe tiếng dân than.
 
Trong 9 tháng đầu năm 2012 đã đưa vào vận hành 21 tuyến cống thoát nước với chiều dài 32km đưa vào vận hành 121 tuyến cống thoát nước với chiều dài 234km tăng năng lực thoát nước. Các tuyến đường thường xuyên ngập nước như: Gò Dưa, Quang Trung, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Đức Thọ, quốc lộ 1A (Thủ Đức), Lê Văn Sỹ… 2 hạng mục thoát nước đã hoàn tất.
 
Cái khó mà Trung tâm chống ngập thành phố vướng phải trong 9 tháng đầu năm 2012 là dù cố “chống” nhưng vẫn vướng các dự án thi công chống ngập ì ạch. Tính đến thời điểm này trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn 57 vị trí ngập do vướng thi công dự án. Phía trung tâm đã xử lý được 50/57 vị trí nhưng chưa xử lý hoàn tất thì lại phát sinh thêm 25 vị trí mới. Ngoài các công trình thi công ì ạch chắn dòng chảy gây cảnh thoát nước chậm, việc người dân lấn chiếm kênh rạch cất nhà ở, quăng rác bừa bãi ảnh hưởng đến lượng nước thoát khi triều, hoặc mưa lớn dâng cao cũng khá lớn.
 
Làm được nhiều nhưng tồn đọng cũng còn không ít nên dù liên tục lên phương án, đổ tiền vào các dự án chống ngập nhưng mỗi khi triều cường, mưa lớn, TP Hồ Chí Minh vẫn trong tình trạng ngập và ngập sâu
 
Theo CAND Online
.