Thảo luận ở Hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, VKSND tối cao vào sáng ngày 30/3 trong chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV có 18 đại biểu trực tiếp phát biểu.

Tại Hội trường, các đại biểu đều ghi nhận, đánh giá cao và nhiều đại biểu bày tỏ sự ấn tượng với những kết quả đạt được của VKSND tối cao như báo cáo do Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trình bày trước đó. Những kết quả này cũng được Ủy ban Tư pháp báo cáo thẩm tra trước Quốc hội.

Kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận nội dung thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, VKSND tối cao.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay, các đại biểu đều ghi nhận, đánh giá cao kết quả các mặt công tác của VKSND nhiệm kỳ qua. Ảnh: Quochoi.vn 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Các đại biểu đều ghi nhận và đánh giá các báo cáo được chuẩn bị công phu, chất lượng, cơ bản đã phản ánh đầy đủ, toàn diện kết quả các mặt công tác của VKSND và TAND các cấp nhiệm kỳ 2026-2021 và tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Các ý kiến đại biểu đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm, vi phạm pháp luật, tranh chấp và khiếu kiện tăng nhanh. Tình hình thiên tai, bão lũ, đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và với cơ quan tư pháp nói riêng.

Các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn, áp lực của công tác tư pháp trong thời gian qua, nhưng trước yêu cầu cải cách tư pháp, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, nhất là các luật, bộ luật mới về tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp, VKSND, TAND đã nỗ lực, cố gắng đề ra nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Công tác xét xử, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta”.  

Về báo cáo của VKSND tối cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả quan trọng VKSND các cấp đã đạt được như công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát trong lĩnh vực hình sự đạt kết quả tốt.

Tỉ lệ oan trong giai đoạn điều tra, truy tố giảm mạnh. Tỉ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh qua các năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao. Trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa được nâng lên. Đáng lưu ý, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. 

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước. Công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hình sự liên tục được tăng cường.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác của ngành Kiểm sát được các đại biểu nêu như: Trong công tác kiểm sát án hành chính, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận chưa đạt yêu cầu chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội...

Về kiến nghị, giải pháp, trên cơ sở đánh giá, phân tích những kết quả đã đạt được, cũng như tồn tại, hạn chế, các vị đại biểu tán thành với các giải pháp, kiến nghị được nêu trong Báo cáo của TAND tối cao, VKSND tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Đồng thời nhấn mạnh, VKSND, TAND tiếp trục triển khai các giải pháp đồng bộ về hoàn thiện pháp luật, tổ chức cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, trong đó, có việc đẩy mạnh công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Ngành trong nhiệm kỳ tới. Tiếp tục thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình cải cách tư pháp để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, pháp quyền, nghiêm minh. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý, các cơ quan tư pháp cần tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các biểu hiện các hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp và có chế độ, chính sách hợp lý hơn cho cán bộ tư pháp và các chức danh tư pháp. 

Vũ Phương