(BVPL) - Sáng ngày 30/5/2017 tại Hà Nội, BCĐCCTP Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức phiên họp thứ ba dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐCCTP Trung ương). 
 
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo tổng kết mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay, đề xuất mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo thời gian tới. Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ CCTP tại các địa phương. Nhìn chung các ý kiến cho rằng, dự thảo Báo cáo tổng kết và dự thảo Kế hoạch đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo. Dự thảo Báo cáo đã đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đề xuất, kiến nghị về mô hình tổ chức của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới. Nội dung của dự thảo Kế hoạch đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung kiểm tra; thời gian, cách thức tiến hành kiểm tra; thành phần tham gia đoàn kiểm tra và trách nhiệm phục vụ đoàn kiểm tra.
 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng BCĐCCTP Trung ương phát biểu tại Phiên họp thứ ba
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng BCĐCCTP Trung ương phát biểu tại Phiên họp thứ ba
 
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng BCĐCCTP Trung ương đánh giá cao những ý kiến đóng góp thể hiện tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo tại phiên họp. Liên quan đến mô hình tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, về cơ bản các quyết định của Bộ Chính trị về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn. Bên cạnh đó, từ năm 2002 đến nay, BCĐCCTP Trung ương đã triển khai thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác CCTP và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020. Đã lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ tư pháp, về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp và các chế định bổ trợ tư pháp theo đúng định hướng của Đảng về CCTP. Đồng thời, đã lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương quan trọng về xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh; bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp; tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp và hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp. Do đó, theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thời gian tới việc tiếp tục duy trì BCĐCCTP Trung ương là cần thiết nhằm tham mưu, giúp Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về CCTP được nêu trong văn kiện Đại hội XII và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đối với mô hình tổ chức của Văn phòng Ban Chỉ đạo, cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu và lựa chọn phương án phù hợp với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. 
 
Đối với kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ CCTP tại các địa phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, việc kiểm tra phải trên tinh thần gọn nhẹ, tiết kiệm, đạt hiệu quả, có cách làm phù hợp đồng thời lựa chọn các địa phương điển hình, đại diện cho các vùng miền. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị Văn phòng Ban Chỉ đạo tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại phiên họp và tổ chức nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện văn bản trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian tới.   
 
Văn Tình