(BVPL) - Dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, mới đây, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tiến hành phiên họp thứ 18. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo. Về phía VKSNDTC, tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC và đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại Phiên họp thứ 18.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại Phiên họp thứ 18.


Báo cáo về Đề án “Nghiên cứu, đề xuất quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi)” và Đề án “Giảm quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình” do Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp trình bày tại phiên họp nêu rõ, các Đề án nhằm đề xuất quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật hình sự (sửa đổi)”, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện trong nền kinh tế thị trường, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành về xử lý trách nhiệm đối với pháp nhân và để thực thi các cam kết trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời nhằm đề xuất hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự về hình phạt tử hình theo hướng tiếp tục hạn chế việc quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) cũng như hạn chế khả năng áp dụng và thi hành hình phạt tử hình trên thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Về những nội dung cơ bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, Báo cáo tóm tắt do Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Ban cán sự Đảng VKSNDTC trình bày tại phiên họp đã nêu rõ những công việc đã thực hiện trong quá trình xây dựng Dự án Bộ luật và những nội dung mới cơ bản của dự thảo Bộ luật. Theo đó, để thực hiện mục tiêu và quán triệt các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Bộ luật, phạm vi sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện. Trên cơ sở đó, Dự thảo Bộ luật có tổng số 471 điều, được bố cục thành 8 phần, 36 chương; tăng 125 điều so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng Dự án Bộ luật có một số vấn đề mới, quan trọng, có vấn đề còn có ý kiến khác nhau như: về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không phải đưa ra chứng cứ bất lợi cho mình; về quyền của bị can đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án; về quyền yêu cầu giám định của bị can, bị cáo, người bào chữa; về việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa; về trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa; về việc thu thập chứng cứ của người bào chữa; về giới hạn xét xử; về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm; về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; về biện pháp điều tra đặc biệt.  

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự của Ban Cán sự đảng VKSNDTC; Báo cáo một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp và Đề án tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù của Đảng ủy Công an Trung ương.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị các tài liệu cho phiên họp của các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, xây dựng các đề án và dự án Luật, đồng thời nhấn mạnh, việc xây dựng các đề án và dự án luật phải làm sao quán triệt các quan điểm, tư tưởng của Đảng về cải cách tư pháp; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời cần phải chú ý đến tính chất hội nhập quốc tế hiện nay. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, mục đích cuối cùng của việc xây dựng các đề án là góp phần đề cao tính hướng thiện của con người đồng thời cũng đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, từ đó góp phần bảo vệ công bằng, công lý, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhà nước và nhân dân.
 

Văn Tình

.