Phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò": Đòn pháp lý giáng vào Trung Quốc
Cập nhật lúc 15:34, Thứ tư, 13/07/2016 (GMT+7)
Giới chuyên gia quốc tế nhận định việc tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" ở Biển Đông đã giáng một đòn pháp lý mạnh mẽ vào Trung Quốc. (bác bỏ, Phán quyết , Trung Quốc, đường lưỡi bò, pháp lý )
Giới chuyên gia quốc tế nhận định việc tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông đã giáng một đòn pháp lý mạnh mẽ vào Trung Quốc.
Ngay sau khi Tòa Trọng tài Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại La Hay hôm qua bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, đông đảo dư luận thế giới, trong đó có cả giới hoạch định chính sách và các chuyên gia nghiên cứu đã lên tiếng hoan nghênh phán quyết này.
Giới chuyên gia cho rằng, phán quyết có thể coi là một “đòn pháp lý” giáng mạnh vào yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và đánh dấu một “thất bại đáng bẽ mặt” của Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia cho rằng, phán quyết thậm chí còn cứng rắn hơn, đi xa hơn so với dự đoán.
Giáo sư Zhu Zhiqun, thuộc Đại học Bucknell ở Pennsylvania (Mỹ), cho rằng phán quyết có thể coi là “kịch bản tồi tệ nhất với Trung Quốc”. “Đây là một đòn ngoại giao giáng mạnh vào Trung Quốc, có lẽ mạnh nhất kể từ năm 1989”, ông Zhiqun nhận định.
Chas Freeman, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và từng là phiên dịch viên cho cố Tổng thống Richard Nixon, cho rằng đây là chiến thắng cho Philippines và luật pháp quốc tế. Ông Paul Reichler, luật sư người Mỹ đóng vai trò trưởng nhóm cố vấn pháp lý cho chính phủ Philippines trong vụ kiện, cũng cho rằng đây không chỉ là chiến thắng của Philippines mà còn là chiến thắng của nền pháp trị và các mối quan hệ quốc tế. Theo ông Reichler, phán quyết đã giúp củng cố sức mạnh của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Ông Reichler, cho rằng phán quyết là tín hiệu quan trọng cho các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn khác ở Biển Đông như Việt Nam, Malaysia và Brunei khẳng định quyền chủ quyền của mình trước Trung Quốc. “Đường lưỡi bò bị coi là phi pháp như tòa đã tuyên, thì những tuyên bố tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với Việt Nam, Malaysia cũng bị coi là phi pháp”, ông Reichler nói.
Tuy nhiên, cũng không ít chuyên gia bày tỏ lo ngại Trung Quốc sẽ càng hung hăng hơn sau phán quyết. Giáo sư Bonnie Glaser tại Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington cho rằng Trung Quốc sẽ tìm nhiều cách để bảo vệ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
“Chúng tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu Trung Quốc tiếp tục tìm cách củng cố các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông”, Julia Guifang Xue, một chuyên gia luật quốc tế tại Đại học Giao thông Thượng Hải, nhận định.
Thực tế, ngay sau khi tòa trọng tài công bố phán quyết, Trung Quốc tiếp tục ngang ngược bác bỏ. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải lớn tiếng nói rằng Trung Quốc sẽ “làm tất cả những gì có thể để bảo vệ dòng chảy thương mại không bị cản trở và ngăn cản bất cứ nỗ lực nào mưu toan gây mất ổn định khu vực”.
Tòa trọng tài của Liên Hợp Quốc ngày 12/7 đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa cũng kết luận không thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc.
Về các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, tòa kết luận Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế với việc quấy rối hoạt động đánh bắt và khai thác dầu khí của Philippines; xây dựng các đảo nhân tạo; để ngư dân đánh bắt trong vùng đặc quyền của Philippines. Ngoài ra, theo tòa, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã gây ra các rủi ro va chạm khi tìm cách ngăn cản tàu Philippines.
Đối với bãi cạn Scarborough, mặc dù nhấn mạnh không đưa ra phán quyết về chủ quyền đối với bãi cạn này nhưng tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm trách nhiệm phải tôn trọng quyền đánh bắt ở ngư trường truyền thống của Philippines khi luôn tìm cách ngăn tàu cá Philippines tiếp cận khu vực này kể từ sau tháng 5/2012.
Theo Dân trí
.