(BVPL) - Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản trả lời các cơ quan báo chí về vự việc “thảm sát cây xanh” đang làm dư luận nóng lên trên các diễn đàn suốt 2 tuần qua. Theo đó, Sở này vẫn khẳng định quan điểm: việc chặt hạ cây xanh trong thời gian qua là việc cải tạo, thay thế cây xanh căn cứ trên cơ sở Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được HĐND thành phố quyết nghị thông qua và cây trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm…
 


Tuy nhiên, theo chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và bảo tồn cây cổ thụ và cây quý sau khi trực tiếp khảo sát tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh thì loại cây được trồng trên con đường này không phải là cây vàng tâm mà thực chất là cây mỡ. Loại cây này cùng họ thực vật với cây vàng tâm nhưng khác chi. Đồng quan điểm với ông Cường, GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cũng khẳng định, cây trồng trên là cây gỗ. Để làm rõ thực hơn thực chất vấn đề này có PV còn mang cả ảnh của những cây được trồng trên tuyến phố này, lên tận huyện Văn Chấn của tỉnh Yên Bái, nơi được mệnh danh là thủ phủ của của loài cây này để xác định thì được cả người dân lẫn cán bộ Kiểm lâm địa bàn đều khẳng định cây trồng này là cây gỗ mỡ.

Phát hiện mới đây nhất của báo giới chính là vụ chặt hạ hai hàng cây xà cừ cổ thụ dọc hai bên đường Nguyễn Trãi. GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp tiết lộ: “Tôi có tham gia Hội đồng Thẩm định đánh giá tác động môi trường đường sắt trên cao, hoàn toàn không có một câu nào trình bày của chủ dự án và tư vấn là sẽ phải chặt tất cả những hàng cây ở đường Nguyễn Trãi hay đường Bưởi.

Bây giờ, trong lúc thi công tự nhiên Sở Xây dựng đưa ra chủ trương chặt hết đi, chả có xin phép ai cả. Trường hợp quá trình thi công, vận hành không đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường đầu tiên thì phải làm báo cáo đánh giá tác động bổ sung và báo cáo đấy cũng phải được thông qua Hội đồng. Sau đó, có quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới được chặt cây. Muốn chặt phải  làm thủ tục, phải xin phép chặt cây nào, chứ không thể liền một lúc chặt 6.700 cây”. “Không có chuyện lạ lùng như vậy. Cây đó phải chụp ảnh hiện trạng, phải có địa chỉ ở đâu và lý do vì sao phải chặt”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh.

Còn theo nhận định của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương thì việc UBND TP. Hà Nội cho phép chặt hạ ồ ạt cây xanh trong thời gian qua là có biểu hiện vi phạm quy định của Luật Thủ đô. Cụ thể là tại Điều 14 Luật Thủ đô đã quy định rất rõ việc quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử ở Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch. Đặc biệt tại khoản 2 Điều này quy định: “Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng, sai chức năng, mục đích”.

Trước những phản ứng của người dân và dư luận, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã cho dừng ngay việc chặt cây và tiến hành tổ chức họp báo. Tuy nhiên, ông Phó Chủ tịch UBND TP lại cho rằng, việc đốn hạ các cây xanh trên các tuyến phố của Hà Nội là thực hiện đúng chủ trương, đúng quy trình, pháp luật nhưng do thiếu thông tin và do “sự nôn nóng của các đơn vị tài trợ” nên đã gây bức xúc dư luận. Ngay lập tức, các nhà tài trợ đã lên tiếng phản pháo: Số tiền các nhà tài trợ cho thành phố là dùng cho việc trồng cây, góp phần chỉnh trang cho bộ mặt đô thị chứ không dùng cho việc chặt cây. Và không có chuyện nhà tài trợ nôn nóng thúc giục tiến độ đốn hạ cây xanh.

Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo khẩn trương việc thanh tra theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Thanh tra liên ngành phải làm rõ được thiếu sót ở đâu, do ai và biện pháp sửa chữa, khắc phục phải cụ thể. Ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, kiểm điểm trách nhiệm từ giám đốc, phó giám đốc, cán bộ của các sở, ngành liên quan: “Việc xử lý trách nhiệm này phải bảo đảm tính kỷ cương, tinh thần nghiêm túc, cầu thị, nhất định không được né tránh, bao biện hay xử lý kiểu “hòa cả làng”.
 

Xuân Hưng

.