Như đã đưa tin, sáng 28.10, nhà ngoại cảm (NNC) nổi tiếng về “làm giả di vật và xương liệt sĩ” Nguyễn Văn Thúy và vợ đã bị bắt. Bài viết này, chúng tôi không đi sâu vào vấn đề đang gây tranh cãi: Có hay không khả năng ngoại cảm, mà lật tẩy những thủ thuật lừa đảo bằng việc làm giả di vật và xương liệt sĩ, với mong muốn các gia đình liệt sĩ (GĐLS) cảnh giác, không bị mắc lừa với những người nhân danh NNC.
 
 
Sau khi Báo Lao Động và Trung tâm Marin - được sự trợ giúp từ các cựu chiến binh, thân nhân LS đã thu thập được trong quá trình đi tìm hài cốt người thân và các đơn vị quân đội - công bố giải mã các phiên hiệu đơn vị ghi trong giấy báo tử liệt sĩ, đã trở thành “cơ sở vững chắc” để các NNC phán nơi có hài cốt LS. Nếu không tìm thấy thì các gia đình lại được “thầy” phán là hài cốt LS đã tan trong đất. 
 
Thời kỳ công nghệ thông tin, việc các NNC đọc vanh vách những người đang có mặt ở nghĩa trang LS, mặc áo gì, đang làm gì... là chuyện hết sức dễ dàng qua chỉ dẫn của chiếc điện thoại của người “giấu mặt” báo tin cho NNC đang ở nơi xa tít, khiến thân nhân LS tin sái cổ. Trong khi thực hiện chương trình “Chung tay chăm sóc, nâng cấp mộ LS” và “Kết nối thông tin, báo tin và tìm mộ LS” do Báo Lao Động thực hiện, chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ mà các quản trang đã bắt được khi đang đi ghi đặc thù của các phần mộ LS để cho các NNC “phán” với các GĐLS.
 
Cựu chiến binh Đoàn 31, Mặt trận B5 - người con của Quảng Trị, chiến đấu mấy chục năm trên mảnh đất này - nắm rất rõ các đơn vị chiến đấu ở đây. Ông đã từng chết lặng khi các gia đình đến tìm phần mộ LS mà đơn vị của LS lại chiến đấu có khi ở tận Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận hoặc Tây Nguyên đã được NNC chỉ đến Quảng Trị. Di vật như biđông, lá thư, chiếc lược, bút có khắc tên LS, dép caosu, lọ penicilin đựng tên... thường được các NNC đến chôn từ trước hay lợi dụng lúc GĐLS sơ hở rồi thả xuống. 
 
Biđông ngày xưa màu thường xanh đen, nhưng nhiều biđông mà NNC tìm được thì màu xanh lá cây được sản xuất sau giải phóng, hoặc dép caosu mà các chiến sĩ dùng do Trung Quốc sản xuất, nay di vật là những chiếc dép do Việt Nam sản xuất gần đây, nhưng không mấy GĐLS để ý đến chi tiết này. Có gia đình thấy được lá thư để trong lọ, khi về nhà xem lại các lá thư trước thì thấy chữ hoàn toàn khác. Có trường hợp NNC ghi quê quán LS, nhưng tiếc rằng tên huyện được “tách” với tên mới - cách năm LS hy sinh gần cả chục năm.
 
Thông tin từ NNC chỉ là cơ sở để các GĐLS tham khảo, cần thiết nhất là vẫn phải giám định gene - hiện nay đầu mối là Hội Hỗ trợ các GĐLS Việt Nam. CCB Nguyễn Xuân Quy bức xúc: Các NNC đang bới tung các phần mộ LS chưa biết tên, khiến nhiều GĐLS không còn cơ hội để tìm lại hài cốt người thân.
 
Theo Lao Động
.