Trong vụ việc hy hữu người mua ve chai mua được chiếc thùng bên trong có nhiều tiền Nhật, không chỉ cuộc sống vốn bình dị của người nhặt được tiền đảo lộn mà tranh luận về tính pháp lý, sở hữu hợp pháp số tiền “trời ban” cũng “nảy lửa”.
 
 
Có quyền thụ hưởng hết?
 
Tranh luận về việc thụ hưởng số tiền 10.000 Yên Nhật như thế nào cũng “bùng nổ” trong những ngày qua.
 
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người nhặt được tài sản không được quyền chiếm hữu mà phải có nghĩa vụ giao trả nếu biết thông tin liên hệ của chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp. Trường hợp, người nhặt không biết được thông tin chủ nhân tài sản thất lạc thì phải thông báo và giao nộp vật đó cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan chức năng gần nhất để công khai thông tin cho chủ sở hữu nhận lại.
 
Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật đó có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó sẽ thuộc sở hữu của người nhặt được. Nếu giá trị của vật vượt quá 10 tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ đi chi phí bảo quản, người nhặt sẽ được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định cộng với 50% giá trị của phần vượt quá; phần giá trị còn lại sẽ thuộc Nhà nước.
 
Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Trường – Văn phòng Luật sư Trường, Đoàn Luật sư TPHCM - lại có góc nhìn khác khi cho rằng vợ chồng chị Hồng có quyền thụ hưởng hết số tiền trên.
 
Luật sư Trường khẳng định, sẽ không có sự phân chia phầm trăm nào cả từ số tiền 5 triệu Yên. Hoặc là tìm được chủ sở hữu thật sự của hộp gỗ có số tiền 5 triệu Yên trên, hoặc là vợ chồng người thu mua ve chai hưởng trọn toàn bộ số tiền này.
 
Luật sư Trường cho biết, theo quy định, vợ chồng chị Hồng đã đúng. Và theo tình thì chị Hồng rất thật thà cũng như đầy lòng tự trọng khi giao nộp số tiền đã nhặt được cho cơ quan công an. Ở đây, dù chị Hồng đã bỏ ra 100 ngàn đồng để mua lại cái thùng sắt có chứa 5 triệu Yên, nhưng số tiền này không nằm trong giao dịch mua bán đó. Đơn giản, nếu người đàn ông bán cái thùng sắt cho chị Hồng biết có 5 triệu Yên bên trong, chắc chắn họ sẽ không bán. Vì vậy, trong trường hợp này có thể xem 5 triệu Yên đó là tiền mà chị Hồng nhặt được. Đã là tài sản nhặt được, chị Hồng phải có trách nhiệm giao lại cho cơ quan có thẩm quyền. Tất nhiên, nếu không bị ai phát hiện số tiền trên, chị Hồng im lặng đem ra đổi và thu giữ thì đó sẽ là chuyện riêng, chỉ có “chị biết và cái thùng sắt biết”. Nên ở đây, tính trung thực và lòng tự trong của người mua ve chai đáng để khen ngợi.
 
“Khi chủ sở hữu (nếu có) của 5 triệu Yên đó chứng minh được số tiền này là của họ. Họ có quyền cho vợ chồng chị Hồng bao nhiêu là quyền của họ. Theo suy đoán của tôi, khả năng chị Hồng thụ hưởng toàn bộ số tiền này là rất cao. Vì có vẻ chủ sở hữu thật sự của 5 triệu Yên này đã quên (hay có thể đã về Nhật). Nên sau một năm, cơ quan có thẩm quyền loan tin, không có người xác nhận là chủ sở hữu của khối tài sản này, thì 5 triệu Yên sẽ thuộc về gia đình chị Hồng. Cho đến giờ, vẫn chưa có luật định về việc đóng thuế khi nhặt được của rơi nên chị Hồng cũng không phải đóng thuế khi nhận số tiền này. Chắc chắn là không có cơ sở pháp lý trong việc chia chác này. Nếu có, chỉ là thỏa thuận giữa chị Hồng và người khác”, luật sư Trường khẳng định.
 
Theo Dân trí
.