Triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất
Đây là thông tin được Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 sáng nay ( 5/3).
|
|
Phó Thủ tướng yêu cầu, khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất. Ảnh:VGP |
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, khi có vaccine ngừa COVID-19, Bộ Y tế tổ chức tiêm, đánh giá độ an toàn, hiệu lực, hiệu quả một cách tốt nhất. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi 2 lý do chính, đó là: trong những đợt tiêm chủng mở rộng đối với những vaccine đã ổn định, rồi cũng có lúc xảy ra sự cố, sơ suất, nếu không chuẩn bị tốt sẽ có thể thành những sự cố lớn.
Ngoài ra, tất cả những loại vaccine trước đây tiêm ở Việt Nam đều là những vaccine được phát triển theo quy trình lúc bình thường với thời gian trung bình 7-8 năm, thậm chí có loại lên đến 12 năm. Trong khi đó, những vaccine ngừa COVID-19 được nghiên cứu, phát triển theo trong tình hình khẩn cấp, việc cấp giấy phép sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Do đó, chúng ta càng phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế từng bước tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân, và khi triển khai tiêm phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể, nếu có bất kỳ sự cố nào, dù nhỏ cũng phải bình tĩnh xử lý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Đến nay, Việt Nam có 3 ứng viên vaccine, 1 loại đã hoàn thành quá trình thứ nghiệm trên người giai đoạn 1 cho kết quả tốt và đã tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ hai. Hai vaccine còn lại, tới đây, Bộ Y tế sẽ khẩn trương tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn 1. Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng cố gắng nhanh nhất có thể”- Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời cho hay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vaccine sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vaccine ngừa COVID-19, chúng ta sẽ chủ động được nguồn vaccine cho 100 triệu dân, vì những thông tin ban đầu cho thấy, các vaccine ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.
Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch
Đây cũng là cơ hội để năng lực nghiên cứu vaccine của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. “Vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài để kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu, nhưng trong một thời gian ngắn hạn (6 tháng đến 1 năm) thì vaccine chưa phải là tất cả mà đầu tiên, căn bản nhất vẫn phải là các biện pháp phòng chống dịch ban đầu rất hiệu quả của chúng ta, cộng thêm với vaccine”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với những nước đối tác có tiềm lực sản xuất vaccine và đã triển khai tiêm cho người dân, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn, tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vaccine ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn, phục vụ mục tiêu kép.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đến nay, dịch COVID-19 ở trong nước cơ bản đã được kiểm soát tốt, song các lực lượng cần tiếp tục duy trì tinh thần sẵn sàng, cảnh giác. Tình hình dịch bệnh trên thế giới đã bớt “nóng” hơn nhưng Việt Nam vẫn là “cánh đồng trũng, bên ngoài vẫn còn nước to, gió lớn” nên cần thực hiện tiếp các giải pháp trước đây. Trên tinh thần cảnh giác trước nguy cơ mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, các lực lượng phải tập trung phát hiện sớm, truy vết nhanh, khoanh thật gọn.
Phó Thủ tướng lưu ý, “trước đây khi chưa có vaccine, chúng ta vẫn đang chống dịch tốt”. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch chủ động. Cá nhân là thông điệp 5K, còn tất cả cơ sở pháp nhân, tổ chức phải tự đánh giá, cập nhật lên bản đồ chống dịch. Đây là những biện pháp phòng chống dịch căn bản, bảo đảm an toàn dịch bệnh lâu dài.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay khi nhu cầu vaccine lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vaccine gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.
Việc đảm bảo đủ vaccine rất khó khăn, bên cạnh đó, đây là những vaccine mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ, vì vậy, quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vaccine từ nước ngoài, nhất định phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vaccine trong nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%, ví dụ, theo thông tin của nhà sản xuất thì vaccine của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vaccine Astrazeneca là 76% mũi 1 và 81% mũi 2. Những số liệu này cũng cần được kiểm nghiệm trong thực tiễn.
|