Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, trong những năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã chủ động, tích cực hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Ngành, tăng cường mối quan hệ giữa Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam với Viện kiểm sát/ Viện công tố các nước trên thế giới, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Kết quả hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân thể hiện trên một số phương diện chủ yếu sau:
 
Thứ nhất, quan hệ hợp tác với Viện kiểm sát/Viện công tố các quốc gia trên thế giới ngày càng được mở rộng. Bên cạnh những đối tác truyền thống, như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Liên bang Nga, Cuba..., thì từ 1986, nhất là từ 2007 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam đã mở rộng quan hệ hợp tác với Viện kiểm sát/Viện công tố/Cơ quan Tổng Chưởng lý (sau đây viết tắt là Viện kiểm sát) các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước có quan hệ kinh tế - thương mại phát triển với Việt Nam như: Nhật Bản, Pháp, Ôx-trây-li-a, Niu-di-lân, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đan Mạch… Đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký kết 16 thỏa thuận hợp tác với Viện kiểm sát/Viện công tố, cơ sở đào tạo tư pháp các nước.
 
Cùng với hợp tác song phương, hợp tác đa phương của Viện kiểm sát nhân dân cũng được mở rộng. Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam hiện là thành viên của Hiệp hội Công tố viên quốc tế, Hiệp hội các cơ quan chống tham nhũng quốc tế; tích cực tham gia các cơ chế diễn đàn đa phương như: Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát các nước ASEAN và Trung Quốc, Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát các nước Á-Âu, Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát thế giới…; tham gia hoạt động của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc như Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC), Chương trình phát triển (UNDP), Quỹ nhi đồng (UNICEF); hợp tác với Cơ quan phát triển các nước như Nhật Bản ((JICA), Đan Mạch (DANIDA), Hoa Kỳ (USAID), Ôx-trây-li-a (AUSAID)…
 
Thứ hai, nội dung hợp tác quốc tế ngày càng phong phú, đa dạng, sâu sắc và thiết thực. Ngoài các hoạt động hợp tác truyền thống như tổ chức đoàn ra, đón đoàn vào, ký kết các thỏa thuận quốc tế… nội dung hợp tác quốc tế ngày càng phong phú, đa dạng, như: Trao đổi chuyên gia, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế… Tính chất quan hệ hợp tác cũng có sự thay đổi theo chiều hướng sâu sắc và thực chất hơn, không chỉ là hỗ trợ một chiều mà quan hệ hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Cùng với tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp trung ương, các hoạt động hợp tác quốc tế ở địa phương cũng được đẩy mạnh. Dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố đã ký 11 Thỏa thuận hợp tác với Viện kiểm sát/Viện công tố địa phương các nước láng giềng.
 
Thứ ba, hợp tác quốc tế đã góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm thông qua hoạt động tương trợ tư pháp hình sự. Thực hiện trách nhiệm Cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp hình sự theo quy định của Luật tương trợ tư pháp năm 2007 và các Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự mà Việt Nam đã ký kết; từ năm 2008 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiếp nhận, giải quyết hơn 1.700 hồ sơ, văn bản ủy thác tư pháp của các nước chuyển đến và của các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam đề nghị phía nước ngoài hỗ trợ thực hiện. Kết quả công tác tương trợ tư pháp hình sự đã góp phần giải quyết nhiều vụ án có yếu tố nước ngoài, trong đó có những vụ án nghiêm trọng, phức tạp như: Vụ án “Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh”, vụ án “Vinashin”, “Vinalines”…
 
Công tác hướng dẫn thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp hình sự được quan tâm và giải quyết kịp thời, như: Việc thông báo và tiếp các lãnh sự nước ngoài chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân Việt Nam; việc thực hiện Điều 4 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Lào liên quan đến hợp tác trực tiếp giữa Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới… Đáng chú ý, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BNG ngày 16/8/2013 Hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, vật chứng của vụ án để yêu cầu nước ngoài tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghiên cứu, ban hành Sổ tay hướng dẫn công tác tương trợ tư pháp hình sự để cán bộ, Kiểm sát viên nghiên cứu, vận dụng.
 
Để chủ động trong đàm phán, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng Kế hoạch đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giai đoạn 2012 - 2016; đồng thời, nghiên cứu xây dựng Mẫu Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam và được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép sử dụng. Hiện nay, Mẫu Hiệp định này đã được gửi đến nhiều nước như: Cam-pu-chia, Séc, Hung-ga-ry, Pháp, Ca-dắc-xtan, Phi-lip-pin, Mi-an-ma, Thái Lan, U-crai-na, U-dơ-bê-ki-xtan… để đề xuất việc đàm phán.
 
Đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan đàm phán thành công Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự với 5 nước:
 
In-đô-nê-xi-a, Nam Phi, Ô-xtơ-rây-li-a, Tây Ban Nha, Pháp. Trong đó, Hiệp định với In-đô-nê-xi-a là Hiệp định cấp nhà nước đầu tiên do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trực tiếp ký với một quốc gia khác. Việc ký kết thành công các Hiệp định góp phần hoàn thiện khung pháp lý để nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài; góp phần làm phong phú thêm nội dung quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới.
 
Thứ tư, hợp tác quốc tế góp phần tích cực vào công tác xây dựng thể chế, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân. Những nỗ lực của Viện kiểm sát nhân dân trong hợp tác quốc tế thời gian qua đã bổ sung kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, xây dựng thể chế, đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực của ngành Kiểm sát nhân dân. Các dự án hợp tác quốc tế đã hỗ trợ tổ chức hàng nghìn hội thảo quốc tế; xây dựng hàng trăm báo cáo nghiên cứu pháp luật so sánh; sưu tầm, biên dịch và cung cấp hàng nghìn tài liệu về mô hình tổ chức Viện kiểm sát/Viện công tố, về pháp luật tố tụng hình sự của các nước trên thế giới và trong khu vực để làm tài liệu tham khảo, phục vụ công tác nghiên cứu xây dựng các dự án luật, đặc biệt là các dự án luật do Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì như dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
 
Thông qua dự án quốc tế với các nước, hợp tác quốc tế trong ngành Kiểm sát nhân dân đã cung cấp một số phương tiện, thiết bị, hỗ trợ xây dựng phần mềm... góp phần tăng cường cơ sở vật chất và điều kiện hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
 
Thứ năm, xây dựng và kiện toàn đơn vị chuyên trách của ngành Kiểm sát nhân dân trong hợp tác quốc tế đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với việc tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế, bộ máy tổ chức và hoạt động hợp tác quốc tế của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được xây dựng và kiện toàn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Trước năm 2007, nhiệm vụ tham mưu cho Lãnh đạo Viện về công tác hợp tác quốc tế của Ngành được giao cho một Phòng trực thuộc Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện. Đến năm 2007 Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành lập Vụ Hợp tác quốc tế, năm 2012 được bổ sung nhiệm vụ quản lý các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự. Đến nay, đội ngũ cán bộ của Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự ngày càng được củng cố, tăng cường về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
Nhìn chung, trong những năm qua, công tác hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân bước đầu đã thực hiện tốt chủ trương, đường lối đối ngoại, đã chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ của ngành. Tuy nhiên, so với yêu cầu và khả năng thì công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định, như: Việc triển khai một số hoạt động hợp tác quốc tế chưa đồng bộ; phạm vi và quy mô còn nhỏ; việc ký kết, triển khai trong một số trường hợp còn chậm... Những hạn chế nêu trên chủ yếu do một số nguyên nhân sau:
 
- Khung pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự còn chưa đầy đủ; việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chưa kịp thời.
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp hiện nay chưa đầy đủ; công tác quản lý, phối hợp trong hợp tác quốc tế chưa được quan tâm đúng mức, chưa được thường xuyên.
- Đội ngũ công chức làm công tác hợp tác quốc tế vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Số lượng chuyên gia về pháp luật quốc tế, giỏi ngoại ngữ trong Ngành chưa nhiều. Công chức làm công tác hợp tác quốc tế chỉ có ở cấp trung ương, ở địa phương còn thiếu và chỉ kiêm nhiệm.
- Kinh phí, điều kiện vật chất để thực hiện công tác hợp tác quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu công tác.
 
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới đang có những chuyển biến hết sức nhanh chóng, phức tạp. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của các quốc gia đã và đang tạo ra cả cơ hội và thách thức trên tất cả các lĩnh vực của đất nước, trong đó có hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, thương mại với hơn 160 nước và 70 vùng lãnh thổ; chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO); chuẩn bị xem xét, gia nhập Cộng đồng ASEAN (sẽ thành lập vào cuối năm nay). Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có hơn 4,5 triệu người, phân bố tại 103 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
 
Cùng với hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, xã hội, các tranh chấp quốc tế, các loại tội phạm quốc tế, tham nhũng, ma túy, công nghệ cao, tội phạm phi truyền thống… được dự báo ngày càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cơ quan tư pháp, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân, phải chủ động, tích cực hợp tác quốc tế sâu rộng và toàn diện mới chủ động đấu tranh phòng, chống có hiệu quả.
 
Trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, công tác hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ, nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; gắn với các quan điểm, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể, dài hạn về hợp tác quốc tế của ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình mới.
 
2. Chú trọng nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế về hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự. Trên cơ sở kế hoạch dài hạn về đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự và Mẫu Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự cần đẩy mạnh công tác đàm phán, ký kết Hiệp định với các nước khác, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống, quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, các nước có quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại phát triển với Việt Nam. Đồng thời, tích cực phát huy sáng kiến, đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật quốc tế trong lĩnh vực hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong phạm vi chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các Hiệp định, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
 
Chủ động nghiên cứu đề xuất việc xây dựng, hoàn thiện quy định của pháp luật về hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, đảm bảo sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo tinh thần mới của Hiến pháp. Trước mắt, tập trung vào việc xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và Luật Tương trợ tư pháp (sửa đổi) trên cơ sở cụ thể hóa quy định liên quan của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, phân định phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tương trợ tư pháp. Chú trọng phối hợp xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành thống nhất trong hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự.
 
3. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và phối hợp thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự. Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phát huy vai trò cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp hình sự và những hoạt động hợp tác quốc tế khác; chỉ đạo, tổ chức làm tốt công tác tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc thực hiện các yêu cầu tương trợ, thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp hình sự; tăng cường phối hợp với cơ quan trung ương của nước ngoài trong việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời các yêu cầu tương trợ tư pháp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
 
Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần quan tâm làm tốt công tác triển khai thực hiện hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự trên cơ sở quán triệt và thực hiện đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Ngành.
 
4. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan, nhất là các ngành tư pháp trung ương, để chủ động hội nhập quốc tế một cách đồng bộ và hiệu quả. Nâng cao vai trò của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam với tư cách là cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan Công tố/Viện kiểm sát các nước trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm, góp phần nâng cao vị thế của đất nước, của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
 
5. Kiện toàn, củng cố và phát triển tổ chức bộ máy thực hiện công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân theo hướng nâng cao hiệu quả và ngày càng chuyên nghiệp. Tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần đào tạo, bố trí những chuyên gia giỏi, chuyên sâu về từng lĩnh vực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thông thạo ngoại ngữ, có khả năng phát hiện, tham mưu đề xuất, hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác này. Cần sắp xếp, bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự ở Viện kiểm sát cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân địa phương để đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới; đồng thời, tạo tiền đề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ trong ngành Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
 
6. Tăng cường hiệu quả việc triển khai thực hiện các dự án quốc tế về pháp luật của Ngành. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các dự án quốc tế hiện có, tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, trọng tâm là hỗ trợ xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và triển khai thực hiện Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, với mục tiêu xây dựng các đạo luật tiến bộ, văn minh và hiện đại; nâng cao năng lực, kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của cán bộ, Kiểm sát viên. Chủ động, tích cực tìm kiếm, thiết lập các dự án, chương trình hợp tác mới với các đối tác có tiềm năng, có thiện chí để tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động thực hiện chức năng và hoạt động xây dựng Ngành.
 
7. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo của Ngành theo hướng thành lập đơn vị nghiên cứu, giảng dạy về hội nhập quốc tế; chú trọng xây dựng giáo trình, chương trình về hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự theo chủ trương, định hướng đối ngoại của Đảng, Nhà nước để ngành Kiểm sát nhân dân từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới. 
 
8. Chủ động và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách đối ngoại, cải cách tư pháp của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành, không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, Kiểm sát viên hiểu đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp. Mặt khác, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy, hoạt động của các cơ quan tư pháp, của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam nói riêng đến với bạn bè quốc tế, góp phần đắc lực vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.
 
PGS - TS. Nguyễn Hòa Bình
Nguồn TCKS