“Ai né tránh cung cấp thông tin là việc nhận thức vấn đề thông tin và nhu cầu thông tin của xã hội chưa đầy đủ… Nếu thông tin chính thống không có thì người ta sẽ đi tìm nguồn thông tin khác, như vậy mỗi người sẽ hiểu theo một kiểu…”.
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời báo chí bên lề buổi Tập huấn các bộ, ngành, địa phương về Quyết định 25/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
|
Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn (Ảnh: Vov) |
Trong quyết định 25 đã đề cập đến trách nhiệm người đứng đầu trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Quyết định 25 đã xác định người phát ngôn là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, nhưng người đứng đầu có quyền ủy quyền cho cấp phó hoặc một người có đầy đủ khả năng, năng lực để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên, người cung cấp thay mặt người đứng đầu nên người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ những thông tin cung cấp. Như vậy, dù ủy quyền, nhưng thông tin đã cung cấp là của người đứng đầu. Còn người phát ngôn được ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu. Rõ ràng, trách nhiệm đã được xác định và có địa chỉ cụ thể.
Thưa ông, một tình trạng phóng viên báo chí hay gặp là việc đùn đẩy trong cung cấp thông tin, chẳng hạn lãnh đạo bộ, cục khi được hỏi thường hướng vấn đề sang người phát ngôn nhưng người phát ngôn lại nói không nắm rõ vấn đề báo chí muốn hỏi?
Tôi nghĩ vấn đề thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũng như vấn đề phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là cả một quá trình, trong đó ngoài những quy định còn phụ thuộc lớn vào kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Không phải bất kỳ một cán bộ công chức, kể cả người đứng đầu, đều có những kỹ năng để cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác thoải mái với cơ quan báo chí. Cho nên cần tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo cho đội ngũ phát ngôn về những kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và dần dần đội ngũ này sẽ làm tốt công tác phát ngôn.
Còn trong thực tế hiện nay đúng là có tình trạng đùn đẩy, né tránh. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề nhận thức, không phải quy định về cung cấp thông tin cho báo chí chỉ nằm trong quyết định 25 hay quyết định 77 trước đây mà vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí đã được quy định trong Luật Báo chí như tôi đã nói ở trên.
"Các bạn có thể hỏi tôi về tất cả những vấn đề tôi biết, tôi nắm với tư cách cá nhân và tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin tôi cung cấp. Nhưng khi tôi nhân danh cơ quan nhà nước để cung cấp thông tin về một vấn đề dư luận quan tâm thì tôi phải tuân thủ quy định trong quyết định 25 này, có nghĩa đó là thông tin chính thức của cơ quan nhà nước cung cấp cho dư luận, xã hội.", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn bày tỏ. |
Ở đây cũng phải xác định thêm một điều, vấn đề thông tin phải có sự cộng tác và chia sẻ, người phát ngôn và báo chí đều làm nhiệm vụ đưa thông tin đến công chúng nên trong việc khai thác thông tin, báo chí cũng phải thực hiện đúng quy trình.
Theo ông, sau khi có quyết định 25, tình trạng né tránh trong việc cung cấp thông tin cho báo chí liệu có thuyên giảm không?
Vấn đề này phụ thuộc rất nhiều yếu tố, thứ nhất là việc quán triệt và nhận thức đầy đủ của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước... Thứ nữa, việc công khai thông tin, cung cấp thông tin, minh bạch hóa thông tin cũng phải có một quá trình.
Nếu so với trước đây, việc cung cấp thông tin cho báo chí đã khá hơn rất nhiều. Trước đây, với một sự kiện đột xuất, để cung cấp được thông tin là rất chậm. Chẳng hạn như vụ bạo loạn ở Tây Nguyên, một tuần sau mới thông tin. Còn như vụ nổ pháo hoa ở Mỹ Đình, sự việc xảy ra lúc 11h45 phút nhưng đến 3 giờ cùng ngày đã cung cấp thông tin. Điều này chưa phải là nhanh, nhưng so với trước đây đã tiến bộ hơn rất nhiều rồi.
Chúng ta phải từng bước từng bước khắc phục, thì hiệu quả của việc cung cấp thông tin mới đáp ứng được nhu cầu hiện nay.
Ông có đề cập đến việc cán bộ cơ quan hành chính nhà nước có quyền trả lời, cung cấp thông tin cho báo chí với tư cách cá nhân, tuy nhiên trong thực tế những người này cũng có thể bị cơ quan chủ quản “tuýt còi” hay thậm chí là trù úm?
Ở đây pháp luật là tối thượng, pháp luật bảo hộ cho họ, pháp luật bảo đảm cho họ thực hiện quyền cung cấp thông tin cho báo chí. Thậm chí nếu thủ trưởng phê bình, anh có thể đưa ra vấn đề pháp luật không nghiêm cấm cung cấp thông tin cho báo chí. Còn tôi cung cấp thông tin sai, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề đó.
Tại buổi họp báo mới đây ở Bộ Công thương, người trả lời báo chí lại từ chối những câu hỏi đặt ra vấn đề nóng của xã hội, ông có nhận xét gì?
Như tôi nói, đưa thông tin đến công chúng có vấn đề trách nhiệm hợp tác để tạo hiệu quả tốt nhất. Thủ tướng bao giờ cũng yêu cầu phải chú trọng cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có những cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt. Do vậy, trước hết họ phải chịu trách nhiệm đối với Chính phủ, nhưng mặt khác người dân hiểu về chính sách, nội dung của cơ quan đó đang thực hiện chắc chắn sẽ có những khó khăn.
Vấn đề ở đây, thông tin tạo ra sự đồng thuận trong xã hội vì khi thống nhất về mặt nhận thức mới tạo ra sự đồng thuận. Còn ai né tránh cung cấp thông tin là việc nhận thức vấn đề thông tin, và nhu cầu thông tin của xã hội chưa đầy đủ.
Nếu thông tin chính thống không có thì người ta sẽ đi tìm nguồn thông tin khác, như vậy mỗi người sẽ hiểu theo một kiểu tạo ra sự phân tâm cho xã hội và mục đích của mình không đạt được.
Xin cảm ơn ông!
Theo Cấn Cường - Quang Phong
Dân trí