Mỹ sẽ giám sát tình hình Biển Đông bất chấp việc Trung Quốc không đồng ý
Cập nhật lúc 12:25, Thứ ba, 19/08/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Mỹ sẽ giám sát tình hình Biển Đông để theo dõi xem liệu các bước đi giảm căng thẳng có được thực hiện hay không, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Trước đó, Trung Quốc đã bác bỏ đề xuất nhằm kiềm chế hành động tại các vùng biển tranh chấp khiến không chỉ các nước trong khu vực tỏ ra quan ngại sâu sắc...
Philippines và Trung Quốc “đấu khẩu” về kế hoạch Biển Đông
Trong cuộc họp của các ngoại trưởng khu vực, Manila đề xuất đóng băng các hành động khiêu khích ở Biển Đông tuy nhiên Trung Quốc đã ngay lập tức bác bỏ kế hoạch của Philippines. Manila cho thấy, các hành động khiêu khích ở Biển Đông là phá vỡ các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp biển đảo, trong khi Manila cáo buộc Bắc Kinh hung hăng theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và “thất hứa” đối với cam kết về ngoại giao hòa bình.
Và một lần nữa đề xuất “đóng băng” căng thẳng ở Biển Đông, được Philippines chính thức đưa ra tại Diễn đàn an ninh khu ASEAN (ARF) ở Myanmar. Manila muốn tìm kiếm một biên bản ghi nhớ về các hành động gây hấn như vậy theo “kế hoạch 3 bước”, vốn cũng hối thúc nhanh chóng đi đến một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua sự phân xử theo luật pháp quốc tế. Tại cuộc hội đàm, ASEAN đã ghi nhận đề xuất của Philippines nhưng không thông qua nó, mặc dù Mỹ và một số quốc gia Đông Nam Á ủng hộ ý tưởng này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phản đối kế hoạch, nói rằng Bắc Kinh không chấp nhận các đề xuất có thể làm gián đoạn các cuộc đàm phán giải quyết xung đột. Ông Vương cũng chỉ trích nỗ lực riêng rẽ của Manila khi muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh thông qua Tòa án quốc tế tại La Hay, Hà Lan. “Nếu Philippines muốn theo đuổi một kế hoạch 3 nước, nước này nên rút nỗ lực đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế và quay lại từ đầu”, ông Vương Nghị nói.
Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã bác bỏ những chỉ trích của ông Vương, nói rằng “kế hoạch 3 bước” phù hợp với các nguyên tắc mà Bắc Kinh đã ký kết trong một tuyên bố giữa ASEAN - Trung Quốc hồi năm 2002, vốn vạch ra khuôn khổ cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. “Họ đáng nhẽ không nên phản đối kế hoạch. Đề xuất rất tích cực, có tính xây dựng và toàn diện”, ông Del Rosario nói bên lề một cuộc gặp của ASEAN. “Trung Quốc đang cố gắng hiện thực hóa các tuyên bố chủ quyền trước khi tòa trọng tài phân xử và khép lại đàm phán bộ quy tắc ứng xử”, ông Del Rosario nói thêm.
Mới đây, trong một tuyên bố chung, ASEAN đã nhắc lại lời kêu gọi kiềm chế và nhanh chóng đi đến một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông - một nỗ lực vốn đã bị bế tắc suốt thập niên qua. Kết quả trên chứng tỏ sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các cuộc đàm phán tìm giải pháp cho tranh chấp lãnh thổ kéo dài với ASEAN, đồng thời cho thấy những bất đồng giữa các quốc gia thành viên, với một bên là muốn một giải pháp cứng rắn hơn nhằm đối phó với Bắc Kinh và một bên là không muốn “chọc giận” đối tác kinh tế quyền lực.
Mỹ sẽ giám sát tình hình Biển Đông
Mỹ sẽ giám sát tình hình Biển Đông để theo dõi các bước đi giảm căng thẳng có được thực hiện hay không, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Sydney, Úc để hội đàm về an ninh khu vực với giới chức Úc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng tham dự các cuộc hội đàm này. Một đề xuất của Mỹ nhằm “đóng băng” các hành động khiêu khích ở Biển Đông đã vấp phải phản ứng từ phía Trung Quốc tại ARF ở Myanmar hồi cuối tuần qua. Đây được xem là một bước lùi trong các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn các động thái gây hấn của Trung Quốc.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Bộ ngoại giao Mỹ giấu tên cho hay, Washington sẽ theo sát các cuộc đàm phán bằng cách đánh giá một cuộc gặp ASEAN-Trung Quốc trong vài tuần tới đối với việc thực thi tuyên bố 2002 về ứng xử trên Biển Đông, vốn “tương tự với sự đóng băng”. “Chúng tôi cũng sẽ giám sát tình hình thực tế quanh các bãi đá, các bãi san hô, bãi cạn ở Biển Đông”, quan chức trên nói.
Liên quan tới tình hình Biển Đông, hãng thông tin chính thức của Xinhua đã cáo buộc Washington “đổ thêm dầu vào lửa” và “khuyến khích các quốc gia có lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc, tạo ra những ngờ vực về ý định thực sự của Mỹ và gây khó khăn cho việc đạt được một giải pháp hòa bình”. Một nữ phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Mỹ đã đáp trả Trung Quốc, nói rằng Mỹ không chịu trách nhiệm về việc kích động sự bất ổn định ở Biển Đông. “Những hành động khiêu khích mà Trung Quốc thực hiện mới gây ra sự mất ổn định đó”, phát ngôn viên Marie Harf nói trong cuộc họp báo thường ngày…
Thúc Hà (Tổng hợp)
.