Mỹ chính thức công bố nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam
Cập nhật lúc 13:49, Thứ hai, 06/10/2014 (GMT+7)
(BVPL) - Mới đây các cơ quan truyền thông đồng loạt đưa tin, Mỹ sẽ giảm bớt một số hạn chế về mua bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, sau cuộc gặp giữa với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Washingtơn. Sự thay đổi này được giới hạn trong phạm vi các vũ khí liên quan đến an ninh hàng hải, trước đó Mỹ vẫn duy trì đầy đủ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.
Trước mắt, Mỹ sẽ tập trung vào việc giúp đỡ Việt Nam tuần tra và tự vệ trên biển Đông trong bối cảnh những thách thức ngày càng gia tăng từ sự phát triển của Hải quân Trung Quốc. Trong số vũ khí này có thể bao gồm tàu và các hệ thống phòng không. “Đây là bước đầu tiên rất quan trọng và sẽ tạo đà cho sự hợp tác trong tương lai. Những gì sửa đổi trong chính sách này cho phép chúng tôi hỗ trợ Việt Nam phát triển khả năng tự bảo vệ mình trong bối cảnh sự hiện diện của Trung Quốc ở biển Đông ngày càng tăng”, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters.
|
Mỹ nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. |
Nếu như các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ có phản ứng mạnh mẽ khi Mỹ giúp đỡ Việt Nam nâng cao khả năng phòng thủ, thì một quan chức điều hành ngành công nghiệp Mỹ xem Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho các thiết bị của họ cũng như hỗ trợ chiến lược quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cổng thông tin điện tử Nhà Trắng, còn cho hay Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã hội kiến với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan E.Rice. Cuộc hội kiến đã nhắc lại cam kết mạnh mẽ phát huy đầy đủ tiềm năng của quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ thông qua tăng cường các hoạt động hợp tác kinh tế, ngoại giao, quốc phòng và đối thoại nhân dân. Hai bên cũng đã thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực mà hai bên có lợi ích chung, bao gồm an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và hợp tác đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Liên quan đến những căng thẳng gần đây trên biển Đông, Cố vấn Rice nhấn mạnh sự phản đối của Mỹ với mọi hành động cưỡng chế, đồng thời đề cao sự cần thiết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các cơ chế pháp lý liên quan.
Hãng thông tấn Nga Ria Novosti bình luận, Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên biển Đông, trong khi Nga vẫn dẫn đầu trong danh sách nhà cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam với hợp đồng bán tàu ngầm Kilo và máy bay chiến đấu Sukhoi. Mới đây nhất, Moscow đang có kế hoạch cung cấp 2 chiếc chiến đấu cơ Sukhoi Superjets cho Việt Nam, hai nước cũng đã đồng ý hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, kỹ thuật và công nghiệp nhẹ.
Trước đó, USNI News dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, không có quốc gia nào trên thế giới nỗ lực mạnh mẽ để vượt qua sự khác biệt, bình thường hóa quan hệ như Mỹ và Việt Nam. “Mọi người không thể tin được mối quan hệ của chúng tôi đã phát triển nhanh như thế nào”, ông Phạm Bình Minh cho biết. Đó là mối quan hệ bắt đầu một cách kỳ lạ sau một cuộc chiến lâu dài, bắt đầu từ việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Tuần trước Reuters đưa tin, lệnh cấm có thể được nới lỏng, Mỹ sẽ cân nhắc bán cho Việt Nam máy bay giám sát hàng hải P-3 Orion. Chris Borse, một cố vấn an ninh quốc gia của Thượng nghị sĩ John McCain cho biết, lợi ích chiến lược ngay lập tức đối với 2 quốc gia chính là an ninh hàng hải trong khu vực. Quốc hội Mỹ đã sẵn sàng làm việc với chính quyền để đi tới một nghị quyết dỡ bỏ lệnh cấm nếu Việt Nam đáp ứng được yêu cầu chung của Mỹ về cải cách tư pháp và quyền con người. Borse nhấn mạnh rằng, việc dỡ bỏ lệnh cấm không gắn với bất kỳ một yêu cầu cụ thể nào trong khi Murray Hiebert, một thành viên cấp cao của CSIS, đồng tác giả báo cáo mới về quan hệ Việt - Mỹ cho biết, dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương sẽ là một bước tiến đáng kể.
Xung quanh vấn đề căng thẳng lãnh thổ hàng hải trên Biển Đông với Trung Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại giữa tất cả các bên tranh chấp và không đối đầu quân sự. Việt Nam phát triển mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước. Khi được một phóng viên thông tấn của Nga hỏi về kế hoạch của Việt Nam phát triển vịnh Cam Ranh, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh mọi sự giúp đỡ. Đó không phải là một cảng quân sự”.
Sơn Hải (Tổng hợp)
.