Công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines hôm nay (10.4) đang có những dấu hiệu lạc quan sau khi các quan chức Australia nói rằng họ đã phát hiện 2 tín hiệu “ping” mới có thể từ hộp đen chiếc máy bay mất tích.
 
  
 
Bí ẩn về sự mất tích của chuyến bay mang số hiệu MH370 hơn 1 tháng qua đã dẫn đến những hoạt động tìm kiếm cứu nạn tốn kém nhất trong lịch sử ngành hàng không nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như trông đợi.
 
Hôm 9.4, thông báo về 2 tín hiệu “ping” mới được phát hiện bởi thiết bị định vị tín hiệu của hải quân Mỹ Towed pinger locator (TPL) khiến các nhà chức trách tin tưởng rằng, những tín hiệu này sẽ dẫn đường đến vị trí của chiếc máy bay gặp nạn.
 
“Hiện tại tôi rất lạc quan chúng ta sẽ tìm thấy máy bay hoặc những phần còn lại của nó trong tương lai không xa”, ông Angus Houston, người đứng đầu Ủy ban phối hợp tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích của Australia cho biết.
 
Các hộp đen ghi lại dữ liệu buồng lái và có thể mang lại câu trả lời về điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay khi nó chở 239 người và mất tích hôm 8.3.
 
Theo dự kiến, hôm nay sẽ có tới 10 máy bay quân sự, 4 máy bay dân sự và 3 tàu tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
 
Mọi nỗ lực tìm kiếm đang tập trung vào 2 khu vực: một khu vực tìm kiếm lớn rộng khoảng 2240km về phía tây bắc thành phố Perth và một khu vực hẹp hơn khoảng 600 km gần thành phố này.
 
Dựa trên dữ liệu của 4 tín hiệu “ping” đã phát hiện, chiếc máy bay giám sát P3 - Orion của lực lượng không quân Hoàng gia Australia đang triển khai các phao âm trong khu vực tìm kiếm nhỏ hơn để hỗ trợ thiết bị nghe của hải quân Mỹ phát hiện các tín hiệu từ hộp đen máy bay.
 
Tuy nhiên các chuyên gia nói rằng, quá trình lọc các tín hiệu từ tạp âm của tiếng ồn trên biển là một quá trình chậm chạp và mệt mỏi. Một ping chỉ kéo dài 9,3 mili giây - một phần mười so với một chớp mắt của con người - và lặp đi lặp lại mỗi 1,08 giây từ âm thanh tự nhiên của đại dương cũng như các tạp âm từ các tàu thuyền tìm kiếm.
 
Theo Lao động
.