Sáng 13/01/2017, Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, người bảo vệ quyền lợi cho ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích từ phiên tòa sơ thẩm, đã trình bày ý kiến của mình tại phiên tòa phúc thẩm.
 
Luật sư Uyên đã khiến Phạm Công Danh nổi cáu tại phiên tòa sơ thẩm khi liên tục đưa ra các câu hỏi khó với bị cáo này. Tại tòa phúc thẩm, luật sư Uyên tiếp tục làm nóng phiên tòa khi đề nghị cách ly bị cáo Phạm Công Danh trong phần xét hỏi. Bài phát biểu của luật sư Uyên dài gần 50 trang, với rất nhiều nội dung, kèm theo nhiều phụ lục và sơ đồ minh họa.
 
Bối cảnh thật của vụ án
 
Theo luật sư Uyên, bản chất vụ án là Phạm Công Danh mua VNCB bằng tiền vay, tiền của VNCB, khi VNCB đang thua lỗ. Trước khi mua VNCB, Phạm Công Danh đã có nhiều khoản nợ, kết quả điều tra xác định nhiều khoản rút ra từ VNCB để trả nợ trước đó. Phạm Công Danh không có tiền, không đủ điều kiện tài chính, năng lực làm ngân hàng. Sau khi mua ngân hàng, Phạm Công Danh tiếp tục rút tiền VNCB, không hề cho mục tiêu của ngân hàng, VNCB tiếp tục thua lỗ. Tuy nhiên, các thông tin công khai về VNCB toàn thông tin tốt. Không có bất cứ thông tin nào từ VNCB hay cơ quan quản lý Nhà nước về tình trạng thua lỗ, khó khăn của VNCB. Nếu tình trạng thua lỗ, yếu kém của VNCB được làm rõ và minh bạch, thì bà Trần Ngọc Bích đã không gửi tiền tại VNCB. Nếu VNCB được quản lý, giám sát tốt, nếu Phạm Công Danh không được phép mua ngân hàng, không được phép làm Chủ tịch, các vấn đề tại Trustbank được dừng lại trước Phạm Công Danh, thì bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh đã không phải chịu thiệt hại thay cho VNCB trong vụ án.
 
Thực chất toàn bộ số tiền huy động của VNCB chỉ nhằm phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của Phạm Công Danh. Ngoài dư nợ của một số khách hàng lớn đã có từ trước, sau khi Phạm Công Danh mua VNCB, thì dư nợ của VNCB chỉ tập trung hầu hết vào nhóm Phạm Công Danh. Vụ án đã thể hiện Phạm Công Danh rút tiền của VNCB bằng nhiều hình thức: Hợp đồng thuê nhà, nâng cấp core banking, mua trái phiếu… Việc rút 5.490 tỷ đồng liên quan đến bà Trần Ngọc Bích chỉ là một trong những hành vi rút tiền của VNCB như những hành vi khác. “Đó chính là bối cảnh thật của vụ án”, luật sư Uyên nhấn mạnh.
 
Có rất nhiều vấn đề được các bên đưa ra không liên quan đến vụ án này, không làm thay đổi bản chất hành vi rút tiền không có chứng từ, cho vay không có hồ sơ của Phạm Công Danh như: VNCB có chi tiền lãi ngoài cho bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh hay không; bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh có cho vay với Phạm Thị Trang hoặc Phạm Công Danh hay không; lý do bà Trần Ngọc Bích gửi tiền rồi lại cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền …
 
Trần Ngọc Bích không đồng phạm, không trốn thuế
 
Luật sư Uyên trình bày, không có bất cứ chứng cứ nào thể hiện bà Trần Ngọc Bích đồng thuận với Phạm Công Danh để rút tiền của chính bà Bích không có chứng từ. Chính Phạm Công Danh còn khai không hề biết các bị cáo khác tự ý rút tiền không có chứng từ. Các bị cáo khác lại cho rằng làm theo lệnh “qua điện thoại” của Vũ Anh Tuấn, không phải là chủ tài khoàn, không phải là người được bà Trần Ngọc Bích ủy quyền. Chính bà Bích đã nhiều lần đến VNCB để yêu cầu thực hiện lệnh chi với số tiền này, nhưng VNCB dấu thông tin về việc tiền đã bị chuyển đi. Tất cả biên bản ghi nhận việc này có trong hồ sơ vụ án. Không có lý do gì để bà Trần Ngọc Bích đồng phạm với Phạm Công Danh để lấy tiền của chính mình (?). Về việc có trốn thuế hay không, trên thực tế, tất cả các giao dịch, các khoản thu nhập của bà Trần Ngọc Bích đều là hợp pháp và đã được khai báo thuế đầy đủ. Việc này đã được làm rõ trong giai đoạn điều tra và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Không có cơ sở để xem xét trách nhiệm của ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích.
 
 Luật sư đề nghị cách ly bị cáo Phạm Công Danh trong phần xét hỏi.
Luật sư đề nghị cách ly bị cáo Phạm Công Danh trong phần xét hỏi.
 
Luật sư Uyên khẳng định, có đủ căn cứ pháp lý để xác định VNCB đã tự ý ghi nhận, hạch toán trái pháp luật khi ghi chi (ghi nợ) số tiền 5.190 tỷ đồng trên tài khoản của Trần Ngọc Bích. VNCB có nghĩa vụ hạch toán lại, hoàn trả lại số tiền này vào tài khoản của Trần Ngọc Bích, đồng thời bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Trần Ngọc Bích theo luật định.
 
Những bất hợp lý của bản án sơ thẩm
 
Về việc Bản án sơ thẩm tuyên thu hồi hơn 5.600 tỷ đồng từ ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích, luật sư Uyên nêu “ngay cả khi bản án tuyên thu hồi là đúng thì cũng tồn tại đến 10 điểm bất hợp lý, mâu thuẫn trong chính Bản án này”. Trong trường hợp xác định tiền Phạm Công Danh rút ra từ VNCB là vật chứng thì có hơn 1.000 tỷ đã bị thu hồi từ ông Thanh, bà Bích không hề xuất phát từ tiền phạm tội của Phạm Công Danh. Toàn bộ số tiền được xác định là vật chứng đều không còn tồn tại khi bị thu hồi, không phải do ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích đang quản lý. Có đến hơn 5.500 tỷ đồng trong số bị thu hồi này thực chất đã được thanh toán cho chính VNCB, do VNCB đang giữ, nếu thu, thì phải thu từ VNCB.
 
Luật sư Uyên nêu ví dụ, một kho xăng nhận xăng của nhiều khách hàng gửi. Thủ kho lập chứng từ giả xuất kho cho khách hàng X, rút xăng đem bán lấy tiền chi tiêu. Thì phải xác định là thủ kho lấy xăng của kho xăng. Trách nhiệm của kho xăng với khách hàng X không thay đổi, chứ không thể nói là thủ kho lấy xăng của khách hàng X. Tương tự như vậy, Danh lấy tiền không có chứng từ thì phải xác định là lấy của VNCB, chứ không thể nói là lấy từ tài khoản của Trần Ngọc Bích.
 
Phạm Công Danh dùng tiền rút trái phép từ VNCB trả cho BIDV 2.600 tỷ đồng, Công ty Hải Tiến 151 tỷ đồng, Sacombank 36 tỷ đồng nhưng Bản án đã không thu hồi các khoản này. Nếu thu hồi các khoản này như đã thu từ ông Thanh, bà Bích, thì tổng số thu hồi và bồi thường sẽ lớn hơn thiệt hại của vụ án. Khi đó, Phạm Công Danh còn được nhận lại hơn 500 tỷ đồng và các tài sản cá nhân khác. Đây là điều cực kỳ bất hợp lý, Phạm Công Danh không bỏ tiền ra nhưng có lời từ hành vi phạm tội, trong khi đã có hàng ngàn tỷ được Phạm Công Danh chi tiêu không rõ địa chỉ. Việc không thu hồi tiền từ BIDV, Sacombank, Công ty Hải Tiến là phân biệt đối xử, không đảm bảo công bằng.
 
Tổng hợp từ rất nhiều bản án hình sự về tội danh Cố ý làm trái, Vi phạm quy định về cho vay, trong đó có nhiều vụ án lớn, được dư luận quan tâm, thì không có vụ án nào thu hồi tiền từ người ngay tình để khắc phục hậu quả như vụ án này. “Liệu chúng ta có muốn tạo ra một bản án mà quan điểm pháp lý và thực tiễn áp dụng khác hoàn toàn với các vụ án tương tự?”, luật sư Uyên đặt vấn đề.
 
Luật sư Uyên nêu việc có bỏ lọt tội phạm hay không ở vụ án này cần nhìn nhận toàn diện, từ nguyên nhân và điều kiện phạm tội, đến tiền rút ra đi đâu, ai hưởng lợi? Phạm Công Danh không đủ điều kiện làm Chủ tịch, không đủ điều kiện mua ngân hàng mà vẫn mua ngân hàng và làm Chủ tịch, đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ án này, đây có phải là một vụ án không, có cần xem xét trách nhiệm của ai không? Hành vi của Phạm Công Danh có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, rút tiền để mua tài sản cá nhân (cổ phiếu), trả nợ cá nhân, có cần xem lại? Ai là người trực tiếp thực hiện giao dịch, kiểm soát việc hạch toán chi không có chứng từ 5.190 tỷ đồng trên tài khoản của Trần Ngọc Bích mà đến nay chưa xử lý, cần làm rõ? Hàng ngàn tỷ đồng đã được Phạm Công Danh chi không biết đi đâu, không biết chăm sóc khách hàng nào? Hàng ngàn tỷ đồng khác được dùng để trả nợ cá nhân, trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh cũng không được xác định tiền đang ở đâu? Tại sao chỉ mình Phạm Công Danh phải bồi thường, các bị cáo khác không chịu trách nhiệm bồi thường?
 
Luật sư Uyên cho rằng tổng số tiền hơn 12.000 tỷ bị rút ra, 9.000 tỷ bị thiệt hại trong vụ án này không hề được khắc phục. Toàn bộ số tiền này đã được chi tiêu, trả nợ cho các mục đích của Phạm Công Danh. Theo nghĩa hẹp là VNCB bị thiệt hại, theo nghĩa rộng là ngân sách, là xã hội bị thiệt hại. Thu hồi hay không thu hồi từ bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh thì thiệt hại với xã hội vẫn không thay đổi. Bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quí Thanh không có lỗi mà vẫn mất tiền tức là phải chịu thiệt hại từ vụ án này. Khi đó không những thiệt hại với toàn xã hội không thay đổi, chúng ta sẽ còn bị thiệt hại thêm cả niềm tin.
 
Theo Minh Tuấn/Công luận
.