63 tỉnh, thành sẽ có ban nội chính gồm ba phòng chức năng: văn phòng, theo dõi công tác nội chính, và theo dõi công tác phòng chống tham nhũng.

 
 
Cơ cấu nhân sự này là tương đồng với chủ trương mà Hội nghị Trung ương 6 đã thông qua. Theo đó Trưởng ban Nội chính trung ương và cả Ban Kinh tế trung ương mới tái lập cũng được cơ cấu vào Bộ Chính trị, hoặc chí ít là Ban Bí thư trung ương.
 
Cùng ngày, Ban Bí thư ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính thuộc tỉnh/thành ủy, mà về cơ bản như Ban Nội chính trung ương. 
 
Theo đó, ban nội chính ở các tỉnh/thành ủy là cơ quan tham mưu về công tác nội chính và PCTN của tỉnh/thành ủy mà trực tiếp, thường xuyên là thường vụ. 
 
Nhiệm vụ gồm các nhóm nghiên cứu, đề xuất; hướng dẫn, kiểm tra; thẩm định; tham gia ý kiến cùng ban tổ chức tỉnh/thành ủy về công tác cán bộ; và một số nhiệm vụ khác do thường vụ tỉnh/thành ủy giao.
 
Theo yêu cầu của Ban Bí thư, Ban Tổ chức trung ương đã chủ trì với Ban Nội chính trung ương ban hành văn bản hướng dẫn về việc tổ chức ban nội chính tỉnh/thành ủy. 
 
Theo đó cả 63 tỉnh, thành đều có ban nội chính gồm ba phòng chức năng: văn phòng, theo dõi công tác nội chính, và theo dõi công tác phòng chống tham nhũng (PCTN). Tùy theo dân số, điều kiện KT-XH và tính phức tạp trong công tác nội chính và PCTN mà tính toán tổ chức, nhân sự. 
 
Cụ thể, ban nội chính tại Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Thanh Hóa nhân sự không quá 30 người; các địa phương khác không quá 21 người. 
 
Riêng bảy tỉnh Lai Châu, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Đăk Nông, Kon Tum, Bạc Liêu, Hậu Giang thì nhân sự không quá 15 người, và chỉ tổ chức thành hai phòng, gồm văn phòng cùng phòng theo dõi chung cả mảng nội chính và PCTN.
 
Việc tổ chức ban nội chính ở tất cả các tỉnh/thành ủy là nét khá mới so với trước đây. Trước khi Ban Nội chính trung ương giải thể (Trung ương khóa X), chỉ những tỉnh/thành thực sự có nhu cầu mới được lập ban nội chính, và phải báo cáo Ban Bí thư.
 
Theo Nghĩa Nhân
Vietnamnet
.