Các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có nguyên thủ các nước đạo Hồi và đạo Do Thái đã nắm chặt tay nhau dẫn đầu đoàn tuần hành tại Paris ngày 11/12.

 


Trước đó, ngày 7/12 nước Pháp rúng động với vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo và các vụ tấn công liên tiếp sau đó khiến 17 người, trong đó có các phóng viên của tạp chí và cảnh sát thiệt mạng.

“Paris ngày hôm nay là thủ đô của thế giới. Toàn thể nhân dân Pháp sẽ đứng lên và thể hiện những điều tốt đẹp nhất”, Tổng thống Pháp Hollande nói.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết có khoảng từ 1,2-1,6 triệu người tham gia tuần hành tại Paris và 2,5 triệu người tuần hành tại các thành phố khác.

Các cuộc tuần hành diễn ra một cách im lặng trên các đường phố thể hiện cú sốc của người dân Paris trước vụ tấn công đẫm máu nhất của các phần tử Hồi giáo tại châu Âu kể từ vụ 57 người thiệt mạng ở London năm 2005.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Matteo Renzi cùng 44 lãnh đạo các nước đã tham gia cuộc tuần hành.

Bà Markel bước đi bên trái ông Hollande và Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita bước đi bên phải ông.

Trong một khoảnh khắc xúc động rất hiếm khi thể hiện trước công chúng, ông Hollande đã ôm bà Merkel tại bậc thềm điện Elysee trước khi cả hai cùng tuần hành.

Thủ tướng Italy Renzi khẳng định, cuộc chiến chống khủng bố tại châu Âu sẽ giành được thắng lợi cả về chính trị chứ không chỉ là kinh tế.

“Điều quan trọng nhất là các giá trị về văn hóa và tư tưởng của châu Âu, và đó là lý do mà chúng ta có mặt tại đây”, ông Renzi nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng tham gia cuộc tuần hành và đi cách nhau vài bước.

“Cũng giống như cách mà thế giới văn minh đang sát cánh cùng nước Pháp chống lại những kẻ khủng bố, thế giới cũng cần sát cánh cùng Israel trong việc này”, ông Netanyahu tuyên bố trong một buổi lễ tại một giáo đường Do Thái tại Paris.

Sau khi các nhà lãnh đạo thế giới đã kết thúc cuộc tuần hành, Tổng thống Pháp Hollande đã dừng lại để động viên những người may mắn sống sót và các thân nhân trong vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo. Trong khi hàng trăm nghìn người vẫn tham gia tuần hành trong yên lặng tại các đường phố ở thủ đô Paris.

 "Chúng tôi sẽ không để một nhóm nhỏ những kẻ bịt kín mặt gây tổn hại đến cuộc sống của chúng tôi”, ông Fanny Appelbaum, 75 tuổi, nói và khẳng định: “Ngày hôm nay, chúng ta đang đoàn kết với nhau”.

Trong khi đó, anh Zakaria Moumni, một người Pháp gốc Morocco, 34 tuổi, cũng đồng tình với điều này: “Tôi có mặt tại đây để cho những kẻ khủng bố biết rằng chúng vẫn chưa giành được chiến thắng. Việc chúng làm chỉ khiến những người thuộc mọi tôn giáo khác nhau xích lại gần nhau hơn”.

Trong khi đó, người đứng đầu cộng đồng Hồi giáo Pháp, Roger Cukierman cho biết, ông Hollande đã cam kết rằng các trường và các giáo đường của người Hồi giáo sẽ được tăng cường bảo vệ với sự có mặt của các binh sỹ Pháp nếu thấy cần thiết.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cũng tuyên bố, các bộ trưởng an ninh châu Âu đã nhóm họp ngày 11/1 và thống nhất các biện pháp hợp tác để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai.

Ông Cazeneuve cũng kêu gọi việc thành lập một hệ thống dữ liệu về thông tin hành khách máy bay và khẳng định châu Âu cần phải lên tiếng chống việc sử dụng Internet để truyền bá những tuyên bố gây hận thù./.
 

Theo VOV

.