“Cần xây dựng được chế tài nghiêm khắc trừng trị những kẻ lạm quyền trong bổ nhiệm cán bộ, để thấy mà khiếp sợ, không dám vượt qua chỉ giới đỏ”, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) trao đổi với PV về những bất cập trong bổ nhiệm cán bộ.
|
ĐBQH Lê Thanh Vân |
Quy trình bổ nhiệm được nhắc đến thời gian qua với nhiều tồn tại bất cập. Phải chăng ở đây còn kẽ hở nào?
Bất cập trong bổ nhiệm cán bộ chưa hẳn đã vì kẽ hở, phải tổng kết thì mới biết được. Cứ cho rằng quy trình bổ nhiệm đúng, ví như một dây chuyền sản xuất gạch hoàn hảo, nhưng người ta lại cho bùn, cho rác vào, nên sản phẩm không còn là gạch nữa. Tương tự như vậy, quy trình cán bộ có thể đúng nhưng nhân sự đầu vào lại không đủ tiêu chuẩn.
Qua cái gọi là quy trình ấy, họ có thể uốn nắn để hợp thức hoá nó, ví dụ như hạ tiêu chuẩn. Chẳng hạn, ở một tỉnh nọ, có ông muốn đưa cháu vào bệnh viện nhi, tiêu chuẩn phải là đại học chính quy, cao cấp lý luận chính trị... Thế nhưng trong thẩm quyền của mình, ông ấy đã chỉ đạo các cơ quan là, trong giai đoạn này chúng ta cần cấp bách để bổ nhiệm nhân sự, và nói hạ tiêu chuẩn xuống. Khi bổ nhiệm cho cháu ông ấy xong rồi thì lại sửa lại như cũ.
Rõ ràng quy trình của chúng ta không sai. Nhưng vẫn chọn sai người vì có bàn tay can thiệp, uốn nắn, điều chỉnh để hướng tới nhân sự họ mong muốn.
Phải chăng sự thao túng quyền lực, thao túng trong bổ nhiệm cán bộ có nguyên do vai trò tập thể nơi đó quá yếu, không có tính chiến đấu?
Vấn đề thao túng trong bổ nhiệm nhân sự là tuỳ nơi, tuỳ người đứng đầu. Người đứng đầu trí minh, tâm sáng thì dẫn cả tập thể theo đúng đường lối. Nhưng người đứng đầu tâm không sáng, trí tối tăm thì luôn hướng lợi ích đến trước hết là bản thân, cho lợi ích nhóm, cho gia đình, dòng tộc. Đấy là cái mà bản thân các tổ chức đảng phải bảo đảm tính chiến đấu, duy trì được dân chủ, kỷ cương.
Nhìn vào thực tế hiện nay thì câu chuyện “một người làm quan, cả họ được nhờ” vẫn đang tồn tại khá phổ biến?
Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI trong những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng coi là một trong những vấn đề vô cùng bức xúc. Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII tiếp tục nhắc lại ở một tần suất cao hơn, nghiêm trọng hơn.
Rõ ràng đó là một cảnh báo lớn. Đảng đã chỉ rõ những sai sót, bất cập trong bộ máy cán bộ và đưa nhiều giải pháp cụ thể, nhưng pháp quy ra thành những quy tắc xử sự về mặt nhà nước lại làm rất chậm. Luật Cán bộ công chức từ năm 2008 đến giờ vẫn chưa dịch chuyển, khởi xướng để mà sửa đổi bổ sung. Hay bộ máy cũng vậy, đang đi theo một cảm hứng rất ngẫu nhiên. Khi nào thấy cần thiết là đẻ ra, không cần thiết lại co lại.
Vấn đề ở đây là nguyên lý phân công quyền lực. Trước hết là xác định chức năng từng cơ quan, từng thiết chế làm sao cho rạch ròi, từ đó mới xác định nhiệm vụ, rồi mới xác định ra từng công việc cụ thể mới đo đếm được số lao động cần bố trí như nào cho thích hợp. Làm tốt nguyên lý đó chính là phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực tốt.
Theo ông giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn tình trạng chi phối, lộng quyền trong bổ nhiệm cán bộ, làm sao để chọn được người tài thực sự vào trong bộ máy?
Trước tiên, vấn đề đặt ra là phải có một bộ khung về tiêu chuẩn cho tất cả các chức danh trong bộ máy hành chính nhà nước, cấp nào thì ràng buộc tiêu chuẩn chức danh ấy, để những ai thấy mình tài hèn đức mọn không dám mơ đến, bén mảng đến, nhìn thấy mà sợ.
Muốn như vậy thì tiêu chuẩn phải đi liền với trách nhiệm trong từng cấp. Tôi ví dụ như cấp bộ trưởng là phải có tầm nhìn chiến lược, nắm bắt thời thế, có phương pháp lãnh đạo, biết cầm đạo, dẫn đường, khởi xướng chính sách, biết cầm tướng (dùng người).
Nếu dùng người sai thì người đó sẽ bị mang tiếng, hổ danh anh bất tài nên chọn kẻ bất tài. Rồi biết cầm thời tức là biết được xu hướng phát triển, vận động của ngành, lĩnh vực mình phụ trách và anh phải là người dẫn dắt bộ máy chứ không phải là người sửa vài câu chữ, dấu chấm dấu phẩy. Lúc ĐBQH phát biểu một đằng thì giải trình một nẻo thì làm sao xứng đáng?!
Thứ 2, phải xây dựng được chế tài nghiêm khắc trừng trị những kẻ lạm quyền trong bổ nhiệm cán bộ, để thấy mà khiếp sợ, không dám vượt qua chỉ giới đỏ. Và sự trừng trị của pháp luật có thể rơi xuống đầu kẻ đó bất cứ lúc nào nếu như cố ý bổ nhiệm “nhầm” người, dù đó là người bên ngoài hay bên trong nội tộc.
Thứ ba, phải hoàn hảo các quy trình xây dựng tiêu chí cán bộ, xin chủ trương, phân loại cán bộ. Muốn vậy phải có nhận thức mới là xác định các nhóm cán bộ, như cán bộ chính trị, cán bộ quản lý thế nào, cán bộ điều hành, tầm tham mưu, nhà khoa học ra sao. Ví như cán bộ chính trị là phải có tầm nhìn xa trông rộng, khởi xướng chính sách, dẫn dắt bộ máy, nhưng nếu đưa người này sang điều hành chưa hẳn đã tốt.
Theo Luân Dũng/Tiền Phong