Tại cuộc Hội thảo An ninh Biển Đông diễn ra ở thủ đô Washington, Mỹ đầu tháng 7/2012, các học giả quốc tế đều khẳng định, Trung Quốc không có cơ sở để tuyên bố đường lưỡi bò tại khu vực Biển Đông và các nước trên thế giới không thể chấp nhận tuyên bố đó. 

 
 
Bất chấp việc Chủ tịch Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) Vương Nghi Lâm ngang nhiên tuyên bố, việc mời thầu quốc tế đang tiến triển tốt đẹp ở 9 lô mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền (bên lề hội thảo về đầu tư Mỹ-Trung ở Bắc Kinh), ngày 19/7, tờ Wall Street Journal cho biết, Tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) đã quyết định tiếp tục thăm dò và khai thác dầu tại lô dầu khí 128 ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam ít nhất 2 năm nữa. Quyết định của OVL đã khẳng định chủ quyền và tính hợp pháp của các dự án thăm dò dầu khí mà PVN đang tiến hành cùng các đối tác.
 
Dư luận coi tuyên bố của Chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm là thâm hiểm và động thái này nằm trong chuỗi hành động hiện thực hóa đường lưỡi bò và độc chiếm nguồn tài nguyên năng lượng giàu có trên Biển Đông mà Trung Quốc đang theo đuổi.
 
Ông Mark Valencia, chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Biển Đông nghi ngờ phát biểu của Chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm và coi đây là đòn gió nhằm hù dọa những đối tác đã và đang muốn hợp tác làm ăn với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí. Chuyên gia Mark Valencia cho biết, quan điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ là không bao giờ khuyến khích các công ty của họ mạo hiểm tham gia lời mời thầu đầy rủi ro như của CNOOC.
 
Trả lời phỏng vấn về việc CNOOC kêu gọi đấu thầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ Joseph Lieberman coi đó là một yêu sách chưa có tiền lệ và không có cơ sở bởi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được công nhận của Việt Nam. Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman kiến nghị, Bắc Kinh cần chấm dứt ngay những hành động khiêu khích và bành trướng này.
 
Đài Tiếng nói nước Nga vừa đưa tin, Tập đoàn quốc gia Nga Zarubezhneft đã thắng thầu về khai thác khí đốt thiên nhiên tại lô 12/11 ở thềm lục địa Việt Nam (cách mỏ Bạch Hổ khoảng 200 km về phía Nam). Zarubezhneft là tập đoàn dầu khí Nga nổi tiếng nhất tại Việt Nam bởi cách đây 31 năm, tập đoàn này đã cùng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) thành lập công ty liên doanh Vietsovpetro. Theo kết quả đấu thầu, Zarubezhneft sẽ hoạt động trên lô này ở giai đoạn thăm dò địa chất trong thời gian ba năm.
 
Còn theo báo mạng Dầu khí nước Nga, việc Trung Quốc gọi thầu trong các lô của Việt Nam ở Biển Đông sẽ vấp phải phản ứng không chỉ của Việt Nam, mà còn của Nga và Mỹ. Theo ông Sergei Pravosudov, Giám đốc Học viện Năng lượng Quốc gia Nga, trong điều kiện Iran bị cấm vận, Trung Quốc quay sang gọi thầu trong các lô của Việt Nam ở Biển Đông, nơi mà các công ty của Nga và Mỹ là Gazprom và Exxon đã và đang hoạt động nên sẽ vấp phải phản ứng của cả Moskva và Washington.
 
Đài Tiếng nói nước Nga cũng cho biết, chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng 11,5% lên 104,62 tỷ USD trong năm 2012 và trong 5 năm tới, dự kiến Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì tốc độ gia tăng ngân sách quân sự hàng năm và đến năm 2017 sẽ đạt 174,9 tỷ USD. Hiện chi phí quân sự của Trung Quốc đang ở mức cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
 
Ngày 19/7, Trung Quốc đã triệu kiến đại diện Đại sứ quán Nga tại Bắc Kinh để bàn về vụ va chạm giữa tàu cá nước này với tàu tuần tra Nga hôm 16/7. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cho biết, Bắc Kinh bất bình trước việc Moskva thực thi pháp luật một cách thô bạo, dùng vũ lực bắt tàu cá Trung Quốc, khiến một ngư dân nước này mất tích, đồng thời yêu cầu Nga nhanh chóng điều tra sự việc, đảm bảo an toàn và lợi ích hợp pháp cho các thủy thủ bị bắt giữ, nhanh chóng thả người và thả tàu.
 
Tân Hoa Xã dẫn nguồn Lãnh sự quán Trung Quốc tại Khabarovsk cho biết, nhân viên của họ sẽ tiếp xúc với Nga để trả tiền phạt và giải quyết vụ 36 ngư dân bị bắt hôm 16/7.
 
Hãng thông tấn Nga Interfax cho biết, tàu tuần tra Nga đã bắn vào tàu cá của Trung Quốc trong cuộc rượt đuổi kéo dài 3 tiếng đồng hồ trong vùng biển Nga tuyên bố chủ quyền bởi tàu này có ý định đâm thẳng vào tàu tuần tra Nga hôm 16/7.
 
Theo tờ Washington Times, thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng sử dụng chiêu bài tàu cá để leo thang căng thẳng với hầu hết các nước có chung đường biên giới trên biển như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines.
 
Dư luận đặc biệt quan tâm tới tuyên bố trên tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 28/6 của ông Hạ Kiến Bân, Chủ tịch Tập đoàn quốc doanh Ngư nghiệp Bảo Sa thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc khi thúc giục chính phủ nước này vũ trang và huấn luyện quân sự cho 100.000 ngư dân Trung Quốc để lực lượng này tiến ra Biển Đông. Ông Hạ Kiến Bân cho rằng, nên huấn luyện họ từ giữa tháng 5 đến tháng 8 hằng năm khi hoạt động đánh bắt tạm nghỉ để biến họ thành lực lượng dự bị trên biển và sử dụng khi giải quyết các vấn đề trên Biển Đông.
 
Giới quan sát cho rằng, đề xuất của ông Hạ Kiến Bân phản ánh rõ tư tưởng quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh và đây là mưu đồ cực kỳ nguy hiểm.
 
Về phần mình, Philippines vừa đưa ra bằng chứng về chủ quyền tại bãi cạn đang tranh chấp với Trung Quốc là Scarborough/Hoàng Nham. Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng số ra ngày 19/7, Tiến sỹ Jay Batongbacal thuộc Đại học Luật chuyên nghiệp Philippines cho biết, phán quyết của Tòa án Tối cao Philippines năm 1916 đối với một vụ đắm tàu ở khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham chính là bằng chứng tăng cường cho tuyên bố chủ quyền của Manila đối với khu vực này. Phiên tòa năm 1916 liên quan đến con tàu S.Snippon, một tàu chở hàng của Thụy Điển bị mắc cạn ở bãi cạn Scarbrough/Hoàng Nham ngày 8/5/1913 khi đang trong hải trình từ Manila đi Singapore
 
 
Theo Quốc Tuấn - Khắc Dũng
CAND Online

 

.