Cầu Long Biên là một di sản kiến trúc quý giá của Việt Nam, đó là điều không cần phải bàn cãi. Hình ảnh chiếc cầu đã đi vào đời sống của xã hội Việt Nam, trong tâm tưởng con người Việt Nam và gắn liền với nhiều biến cố lịch sử của dân tộc. Chiếc cầu vì thế không chỉ là sắt thép, mà có hồn cốt của nó.
 
Thẩm mỹ kiến trúc cầu Long Biên đạt tầm cao nhân loại vào ba thập niên đầu thế kỷ 20, về sau cũng khó có cây cầu nào “hào hoa” như vậy, cho dù có thể to lớn hơn nhiều. Chiếc cầu không chỉ là sắt thép, mà còn không gian sống của nó, gắn liền với đôi bờ nối hai nhịp của cây cầu.
 
Vì thế, mọi thay đổi đối với cầu Long Biên cần phải được tính toán rất kỹ lưỡng. Nếu không, sẽ có sự thiếu lễ độ đối với di sản.
 
Không thể bảo tồn cầu Long Biên theo kiểu bảo tàng!Bộ Giao thông Vận tải đưa ra 3 phương án chỉ đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam nghiên cứu vị trí cầu đường sắt sông Hồng, cả 3 phương án đều bị các chuyên gia kiến trúc cũng như dư luận phản đối. Những lý luận mà các các chuyên gia đưa ra rất thuyết phục, rất cần được lắng nghe. Phương án 1 là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn.
 
Với cầu Long Biên, di dời đi một nơi khác để bảo tồn chẳng khác gì cái xác không hồn. Chiếc cầu không phải là cái bình đồ cổ hay bức tranh, cứ chưng trong lồng kính hay treo lên bức tường của bất cứ bảo tàng bảo tàng nào cũng có giá trị như nhau. Chiếc cầu có không gian sống riêng, gắn bó với mây trời sông nước - nơi mà nó đã tồn tại cùng thời gian và lịch sử.
 
Cầu có thể gọi là chiếc cầu khi nó còn được sử dụng để đi lại, mang vác trọng trách phục vụ giao thông cho con người. Cầu mà di dời đi nơi khác để bảo tồn thì chẳng khác gì khối sắt vô hồn.
 
Phương án 3 tuy không di dời cầu Long Biên nhưng xây cầu mới bên cạnh, để cầu cũ làm bảo tồn. Với phương án này, cầu cũ sẽ bị chiếc cầu mới hiện đại che khuất, bị bức tử trong một không gian sống chật hẹp. Chiếc cầu sẽ không còn vẻ đẹp vì không gian kiến trúc bị xâm phạm, bị cắt nát, bị giam hãm. Liên hệ với chiếc cầu “chị em” với cầu Long Biên là cầu Tràng Tiền.
 
Thử hình dung cầu Tràng Tiền còn có giá trị hay không nếu như di dời di nơi khác (cho dù là trên sông Hương) để bảo tồn. Hoặc, người ta xây dựng thêm một cây cầu hiện đại ngay bên cầu Tràng Tiền để phục vụ giao thông, còn cầu cổ được bảo tồn. Khi đó, chiếc cầu đẹp như tranh chỉ là một đống sắt phế thải làm chướng mắt thiên hạ mà thôi!
 
Chiếc cầu có sức sống mới là cầu như chúng ta đang gọi tên nó. Sức sống đó là gì? Là không phải cho nó chết để bảo tồn theo kiểu bảo tàng!
 
Hy vọng Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng để điều chỉnh các phương án vừa đưa ra.
 
Theo Lao động