“Để tiến tới gia nhập Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT).
 
Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa các quy định về những tội danh liên quan đến hành vi tra tấn trong BLHS nhằm đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự và xử lý vi phạm hành chính. Hoàn thiện các quy định để bảo đảm nguyên tắc lời khai do tra tấn, nhục hình hay bức cung dưới mọi hình thức sẽ không được sử dụng làm chứng cứ buộc tội trong mọi giai đoạn tố tụng”. Đó là ý kiến của PGS-TS Trần Vi Dân (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an) tại hội thảo trao đổi kinh nghiệm quốc tế về hoàn thiện các quy định của BLHS… Hội thảo do Bộ Tư pháp và Viện KAS (Konrad Adenauer) tổ chức.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 
Theo TS Dân, dù Việt Nam chưa tham gia CAT nhưng trong hiến pháp, pháp luật Việt Nam đều có các quy định đảm bảo nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục, đặc biệt đối với những người đang trong tình trạng yếu thế (bị bắt, tạm giữ, tạm giam, thụ án phạt tù)… Tuy BLHS không có tội danh tra tấn nhưng có rất nhiều tội danh truy cứu hành vi mang tính chất tương tự. dễ nhận diện nhất là hai tội dùng nhục hình và bức cung, ngoài ra còn có các tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới, tội làm nhục, hành hung đồng đội... “Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn hẹp hơn nội dung định nghĩa tra tấn của CAT” - TS Dân nói.
 
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia cũng thảo luận các vấn đề thực tiễn và kinh nghiệm các nước nhằm góp ý hoàn thiện về: Chế định loại trừ trách nhiệm hình sự; thu hẹp từng bước hình phạt tử hình; xử lý người chưa thành niên phạm tội…
 
Hiện Bộ Công an đang hoàn thiện đề án nghiên cứu về việc tham gia Công ước CAT trình Chính phủ. Công ước LHQ về chống tra tấn đã có hiệu lực từ năm 1987 và ngày 26-6 được công nhận là ngày Quốc tế hỗ trợ nạn nhân bị tra tấn.
 
Theo BÌNH MINH
(pháp luật TP HCM)