(BVPL) - Sáng ngày 19/10/2016, TAND tối cao đã tổ chức họp báo thông tin về nội dung vụ án Trần Văn Vót bị kết án về các tội “Giết người”, “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”, “Tàng trữ vũ khí trái phép”, “Gây rối trật tự công cộng” ở tỉnh Nam Hà (cũ). 
 
Tóm tắt nội dung vụ án cho thấy, do mâu thuẫn về tranh chấp ruộng đất giữa hai miền Nhân Phúc và Thanh Nga thuộc xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Hà (cũ), nên khoảng 13 giờ ngày 29/11/1992 nhân dân hai miền đã xảy ra xô xát, ném gạch đá lẫn nhau. Trong thời gian hai bên xô xát, Trần Văn Vót (là Bí thư chi bộ 4 Lý Nội, Nhân Phúc) đã đưa cho Trần Ngọc Thanh 01 quả lựu đạn để ném về phía dân miền Thanh Nga. Do lần đầu tiên ném lựu đạn, nên Trần Ngọc Thanh đã ném lựu đạn vào tốp người của miền Nhân Phúc. Hậu quả làm 01 người chết, 21 người bị thương. Sau đó, ngày 07/02/1993 Trần Ngọc Thanh nhập ngũ tại Trung đoàn 139 Bộ tư lệnh thông tin. Ngày 12/02/1993 Thanh tự thú với cán bộ cấp Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng của Trung đoàn 139 về hành vi ném lựu đạn ngày 29/11/1992 và khai Trần Văn Vót là người đưa lựu đạn cho Thanh ném. Quá trình điều tra vụ án, Trần Văn Vót không thừa nhận hành vi đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh. 
 
Toàn cảnh buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo
 
Về quá trình giải quyết, Bản án sơ thẩm số 37HS/ST ngày 26/02/1994 của Tòa án nhân dân tỉnh Nam Hà đã xử phạt Trần Văn Vót tù chung thân về tội “Giết người”, 10 năm tù về tội “Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội”, 02 năm tù về tội “Tàng trữ vũ khí trái phép”, 03 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”, tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân; xử phạt Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội “Giết người”. Sau khi xét xử sơ thẩm Trần Văn Vót kháng cáo kêu oan và Trần Ngọc Thanh kháng cáo xin giảm hình phạt. Bản án phúc thẩm số 1030 ngày 27/8/1994 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, giữ nguyên hình phạt với Thanh, thay đổi tội danh và giảm hình phạt cho Vót từ tội “Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội” sang tội “Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”, giữ nguyên các hình phạt và tội danh khác đối với Vót.
 
Sau khi xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nhận được đơn khiếu nại của Trần Ngọc Thanh, của ông Trần Ngọc Thông và bà Trần Thị Tân (là bố mẹ của Trần Ngọc Thanh), của ông Trần Văn Vấn (bố của Trần Văn Vót). Cụ thể: Tại Công văn số 263/HS ngày 10/8/1995, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời ông Trần Ngọc Thông và bà Trần Thị Tân với nội dung: Việc Trần Ngọc Thanh tự thú là hoàn toàn tự giác, không có ai ép buộc, không có việc uống rượu say dẫn đến khai sai sự thật. Tại Cơ quan công an cũng như tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Hà, Thanh đều khai nhận tội của mình và thừa nhận không hề bị  cán bộ đánh hoặc ép cung. Việc ông bà nại rằng người ném lựu đạn chiều ngày 29/11/1992 là Trần Văn Cự ở thôn Thanh Nga là không có cơ sở. Bản án phúc thẩm xử phạt Trần Ngọc Thanh 15 năm tù về tội giết người là đúng pháp luật, không oan. (Công văn này được trả lời dựa trên nghiên cứu hồ sơ vụ án).
 
Sau đó, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục nhận được đơn khiếu nại của bố mẹ Thanh và gia đình người bị hại Trần Văn Việt cho rằng việc điều tra vụ án không khách quan, dẫn đến việc kết tội oan cho Trần Ngọc Thanh và Trần Văn Vót. Tòa án nhân dân tối cao đã chuyển đơn khiếu nại này đến Vụ 3 Viện kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo thẩm quyền. Năm 2000, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nghiên cứu hồ sơ vụ án và thấy rằng Tòa án các cấp kết án Trần Văn Vót, Trần Ngọc Thanh về tội “Giết người” là có căn cứ, không oan. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao còn trả lời đơn cho Trần Ngọc Thanh năm 2007, trả lời đơn cho ông Trần Văn Vấn năm 2010, cũng với nội dung Tòa án các cấp kết án Trần Văn Vót, Trần Ngọc Thanh về tội “Giết người” là đúng pháp luật, không oan.
 
Tại Công văn số 853/VPCTN-PL-m ngày 01/6/2015 của Văn phòng Chủ tịch nước thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước: yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xem xét lại vụ án, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, trả lời ông Nguyễn Lân Dũng, báo cáo Chủ tịch nước kết quả. Sau đó, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục nhận được Công văn của Thủ tướng Chính phủ chuyển đơn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng cũng với nội dung xem xét lại vụ án. Kèm theo kiến nghị của Đại biểu Nguyễn Lân Dũng là đơn khiếu nại của ông Trần Anh Điền (là bố của người bị hại Trần Văn Việt) đề nghị xem xét lại vụ án với lý do Trần Văn Vót không đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh, Thanh không ném lựu đạn.
 
 Tại cuộc họp liên ngành Trung ương ngày 31/7/2015 do Phó Chánh án Nguyễn Sơn chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Công an và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thống nhất thành lập Tổ chuyên viên liên ngành để nghiên cứu lại vụ án, xác minh các vấn đề liên quan.
 
Ngày 30/9/2015, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có Công văn số 3011/UBTP13 chuyển kiến nghị của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Dũng đề nghị xem xét lại vụ án Trần Văn Vót. Sau đó, ngày 13/4/2016 Chủ tịch Quốc hội phê chuyển thư của Giáo sư, Tiến sỹ Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngày 29/4/2016, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục có văn bản chuyển đơn kiến nghị của các Luật sư đề nghị xem xét lại vụ án này. Ngày 21/4/2016 Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2774/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình gửi Lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xem xét sớm vụ án này. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh và Phùng Đức Tiến cũng có văn bản chuyển đơn khiếu nại liên quan đến vụ án này.
 
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo các cơ quan tố tụng Trung ương, Tổ chuyên viên liên ngành đã khẩn trương nghiên cứu các tài liệu của hồ sơ vụ án; nghiên cứu những vấn đề kiến nghị của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Dũng, nội dung các đơn khiếu nại do các đại biểu Quốc hội là Trần Thị Quốc Khánh, Phùng Đức Tiến chuyển, khiếu nại của người đại diện hợp pháp của người bị hại và những nội dung mà một số Báo chí đưa tin liên quan đến vụ án; trực tiếp quan sát hiện trường; làm việc với những cán bộ có mặt tại hiện trường lúc lựu đạn nổ và cán bộ trực tiếp điều tra vụ án; làm việc với những người được phỏng vấn cung cấp thông tin trên báo đài, người liên quan đến tình tiết của vụ án; làm việc với các Lãnh đạo của Trung đoàn 139 Bộ tư lệnh thông tin; với Trần Văn Vót, Trần Ngọc Thanh, Trần Xuân Đạt; với các phóng viên đưa tin, bài. Kết quả tổng hợp các vấn đề đã được thẩm định, xác minh nêu trên, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương đã kết luận: các căn cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng để kết tội Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh, về tội “Giết người” là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.
 
Đắc Thái