Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, cơ bản hoàn thành chương trình nghị sự đề ra với việc xem xét và quyết định nhiều nội dung về lập pháp, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Chiều 27/11, ngay sau phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 10, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng; Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Minh Hiếu, chủ trì cuộc họp báo.
Tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp
Là kỳ họp cuối năm, nhưng công tác xây dựng pháp luật vẫn được xác định là một nội dung trọng tâm với nhiều dự án luật, bộ luật quan trọng nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp. Theo đó, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật. Trong đó, có những luật, bộ luật hết sức cơ bản như Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng Hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân...
Các luật, bộ luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế trên tinh thần đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa và bảo đảm các quyền hiến định của con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể hiện kinh tế thị trường, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chế độ, trật tự, an toàn xã hội, tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, các luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến nhằm tập trung thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền cơ bản của con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, tín ngưỡng để làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Để góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp có kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, bộ luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua; sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội cần thường xuyên giám sát việc thi hành luật; có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Thông qua các nghị quyết về kinh tế-xã hội
Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là gần 597.000 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là gần 851.000 tỷ đồng, trong đó dự toán gần 220.300 tỷ đồng để bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Quốc hội quyết định từ ngày 1/1/2016 thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.
Từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,15 triệu đồng/tháng lên 1,21 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng; riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Tập trung đầu tư thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về tổng kết tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Quốc hội đã cắt giảm từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia xuống còn hai chương trình giai đoạn 2016-2020 gồm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tăng kinh phí thực hiện chương trình; yêu cầu hàng năm, vào kỳ họp Quốc hội cuối năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Mục tiêu của các chương trình phấn đấu đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đồng thời, thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo giai đoạn 2016-2020; giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%-1,5%/năm; riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Chuẩn bị công tác bầu cử
Triển khai thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Quốc hội và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 dự kiến vào ngày Chủ nhật, 22/5/2016.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã bầu Tổng thư ký để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ 1/1/2016.
Thực hiện tốt công tác giám sát tối cao
Quốc hội đã xem xét các báo cáo theo quy định của pháp luật như: Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9.
Về chất vấn và trả lời chất vấn, tại kỳ họp này, có 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 140 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Nội dung và cách thức tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 có sự đổi mới. Quốc hội xem xét, đánh giá một cách toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, sau đó chất vấn lại một số vấn đề; xem xét trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện các quyết định của Quốc hội liên quan đến các vấn đề quốc tế dân sinh, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Đồng thời, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục thực hiện có kết quả những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để Quốc hội khóa XIV tiếp tục giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ trả lời đầy đủ, rõ ràng các câu hỏi chất vấn
Giải đáp băn khoăn của phóng viên về việc sắp xếp chương trình trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ 10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam tổ chức việc chất vấn theo hình thức chất vấn lại những vấn đề mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Hình thức mới này từ trước đến nay chưa thực hiện. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội sẽ đánh giá các báo cáo và đặt câu hỏi chất vấn lại một số vấn đề. Các câu hỏi chất vấn đã được các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trả lời và được cử tri rất hoan nghênh. Đối với phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, Quốc hội đã dành thời gian buổi sáng để Thủ tướng Chính phủ trả lời. Thủ tướng đã có một bài báo cáo trả lời rất đầy đủ, bao hàm tất cả nội dung các câu hỏi chất vấn. Trong đó, Thủ tướng đã giải đáp rất rõ ràng câu hỏi của các đại biểu liên quan đến biển Đông.
Trước thắc mắc của báo giới về quy định miễn hình phạt tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn trong Bộ luật hình sự (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho biết: Theo báo cáo hàng năm về phòng, chống tham nhũng, chúng ta chỉ thu hồi được 10 đến 30 % và năm 2015 cao nhất với 50% số tiền thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra. Trong một thời gian kéo dài tỷ lệ này rất thấp chỉ khoảng 10%. Cho nên Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã có một quy định việc phục hồi thiệt hại cho Nhà nước và xem xét về hình phạt. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự (sửa đổi) không có hiệu lực khởi tố, mà tất cả mà những quan hệ phát sinh sẽ được tính từ ngày bộ luật này có hiệu lực. Đối với những vụ án đang trong quá trình chuyển tiếp thì có nghị quyết để giải quyết việc quá độ và trong những trường hợp đã xảy ra trước khi Bộ luật hình (sửa đổi) có hiệu lực thì không được áp dụng.
Cũng tại buổi họp báo, Ban Tổ chức đã giải đáp những câu hỏi của báo chí về vấn đề an toàn thông tin mạng; việc hoãn thông qua luật thuế.../.
Theo TTXVN/Vietnam+