(BVPL) - Phát biểu của đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”.
Kính thưa đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương,
Thưa đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Thưa toàn thể các đồng chí,
Trước hết, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin gửi tới đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các đồng chí Kiểm sát viên, cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát và tất cả các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc Hội nghị thành công.
Thưa các đồng chí,
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng (trong đó có Viện kiểm sát nhân dân) là một chủ trương quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” theo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị.
Hiện nay, Quốc hội đã ra Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XIII, giao nhiệm vụ cho VKSNDTC chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Một trong những quan điểm chỉ đạo, cũng là yêu cầu đối với việc xây dựng 02 dự án Luật nêu trên là phải trên cơ sở tổng kết đầy đủ, đánh giá sâu sắc, toàn diện những ưu điểm, hạn chế của Luật tổ chức VKSND và Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành; tiếp tục kế thừa những quy định trước đây còn phù hợp, đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng; đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với các chủ trương của Đảng và tình hình thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Vì vậy, tôi rất vui mừng được dự Hội nghị của ngành Kiểm sát với chủ đề: “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”. Hội nghị này là một sáng kiến rất có ý nghĩa, thể hiện sự nhạy bén và trách nhiệm cao của ngành Kiểm sát; tạo cơ hội cho các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan tư pháp Trung ương, thành viên Ban soạn thảo, nhất là cán bộ, công chức, Kiểm sát viên trong toàn ngành Kiểm sát, các nhà hoạt động thực tiễn... có điều kiện thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của VKSND và thủ tục tố tụng hình sự theo tinh thần và nội dung cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại Hội nghị này, tôi đề nghị các quý vị đại biểu quan tâm một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, việc nghiên cứu, sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật tố tụng hình sự lần này có thuận lợi cơ bản là Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI về đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN; đồng thời Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về cải cách tư pháp, Quốc hội đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng cho việc tiến hành tổng kết, nghiên cứu, sửa đổi các đạo luật này. Do đó, việc tiến hành tổng kết, nghiên cứu, xây dựng các đạo luật này cần phải bám sát và nhận thức đầy đủ, đúng đắn các quan điểm, tư tưởng đã nêu trong văn kiện, nghị quyết của Đảng, nhất là những chủ trương về cải cách tư pháp, về hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp (trong đó có Viện kiểm sát nhân dân) và hoàn thiện các thủ tục tố tụng hình sự.
Thứ hai, Hội nghị này nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật tổ chức VKSND và Bộ luật TTHS trong toàn ngành Kiểm sát, trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với hai đạo luật nêu trên. Do đó, khác với Hội nghị triển khai nhiệm vụ hoặc phổ biến chủ trương chính sách, các đồng chí cần phải trên cơ sở thực tiễn tổ chức, hoạt động của ngành Kiểm sát, từ thực tiễn thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đánh giá, phân tích các quy định của luật, làm rõ các vấn đề thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; đề xuất những giải pháp khắc phục, hoàn thiện.
Thứ ba, trong quá trình xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), các đồng chí cần đặc biệt chú ý đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống Viện kiểm sát 4 cấp (theo hướng VKSNDTC; VKSND cấp cao; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VKSND khu vực), phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân, phải đáp ứng yêu cầu gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, bảo đảm tạo cơ chế thuận lợi (cả về tổ chức bộ máy, cơ cấu cán bộ, Kiểm sát viên, về cơ sở vật chất…). Về nguyên tắc hoạt động: VKSND do Viện trưởng lãnh đạo; VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của VKSND cấp trên; Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSNDTC. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
Một vấn đề nữa cần chú ý khi xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) đó là vấn đề Cơ quan điều tra của VKSNDTC. Đây là một nội dung đang được Đảng và Quốc hội giao cho các cơ quan nghiên cứu để báo cáo trong quá trình xây dựng Đề án “Tổ chức lại Cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối” và xây dựng dự án Luật tổ chức các Cơ quan điều tra hình sự. Tôi cũng đề nghị VKSNDTC chỉ đạo tổng kết, đánh giá lại toàn bộ quá trình hơn 50 năm thực hiện công tác điều tra hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thời tổ chức nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới; trên cơ sở đó báo cáo với Đảng, với Quốc hội những luận cứ xác đáng, có tính thuyết phục cho việc đổi mới mạnh mẽ Cơ quan điều tra của ngành Kiểm sát nhân dân để cơ quan này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Thứ tư, đối với việc xây dựng Bộ luật TTHS (sửa đổi), các đồng chí cần tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung cần quy định để bảo đảm đáp ứng các yêu cầu cải cách tư pháp đã được nêu trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, đó là: “Hoàn thiện các thủ tục tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”, “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử”; đổi mới việc tổ chức phiên tòa, phân định rành mạch các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự, nhất là yêu cầu bảo đảm sự kiểm soát giữa các cơ quan trong quá trình tiến hành tố tụng và bảo đảm sự tham gia giám sát của nhân dân đối với hoạt động tố tụng hình sự; các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung Bộ luật lần này phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng… Đây là các nguyên tắc định hướng và cũng là các yêu cầu cơ bản cần phải được quán triệt sâu sắc và thể chế hóa đầy đủ trong nội dung của Bộ luật TTHS (sửa đổi).
Để làm tốt nhiệm vụ tổng kết thực tiễn thi hành và đề xuất, kiến nghị xây dựng Bộ luật TTHS (sửa đổi), trước hết là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của VKSNDTC – với tư cách là cơ quan được Quốc hội giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Bộ luật. Do đó, việc tổ chức Hội nghị cả ba cấp toàn ngành Kiểm sát lần này là một cách làm nghiêm túc, sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, một cách làm thận trọng, khoa học của Lãnh đạo VKSNDTC. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, Hội nghị sẽ thu nhận được nhiều kết quả tốt, phục vụ cho việc tổng kết và sửa đổi Luật tổ chức VKSND và Bộ luật tố tụng hình sự theo đúng tiến độ về thời gian và bảo đảm chất lượng.
Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới, một lần nữa xin kính chúc đồng chí Chủ tịch nước và tất cả các đồng chí, các quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.
B.B.T