Chiều ngày 6/9, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Thủ đô Vientiane, Lào.

Ngay sau Lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN tiến hành họp phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 và tham dự một số hoạt động khác. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự các Hội nghị.

 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị.


Kết hợp lợi ích quốc gia với lợi ích ASEAN

Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Lào Thonglun Sisoulith nhấn mạnh, Hội nghị cấp cao ASEAN 28-29 lần này không những diễn ra trong bối cảnh mới, với nhiều thời cơ và thách thức đối với ASEAN, khi mà Cộng đồng ASEAN tập trung tổ chức thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và thắt chặt sự hợp tác với bên ngoài, mà còn diễn ra trong bối cảnh  khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.  

Do vậy, Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị có liên quan lần này là cơ hội để các nhà lãnh đạo ASEAN trao đổi thảo luận và đưa ra định hướng cho tiến trình triển khai tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi 11 Hội nghị cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, sẽ diễn ra từ ngày 6-8/9. Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác nhóm họp sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành từ ngày 31/12/2015.

Ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã họp phiên toàn thể.  

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả tích cực trong năm đầu tiên của Cộng đồng ASEAN cũng như những nỗ lực và vai trò quan trọng của Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2016.

Để thực hiện hiệu quả tiến trình xây dựng Cộng đồng và Tầm nhìn ASEAN 2025, Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên nâng cao năng lực và tính tự cường của ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Coi đây là những nhân tố quan trọng cho thành công của ASEAN, Thủ tướng cho rằng mỗi nước thành viên đều có lợi ích và trách nhiệm trong việc tăng cường đoàn kết và thống nhất ASEAN, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của ASEAN- một Cộng đồng cùng chung vận mệnh.

Các thành viên ASEAN cần tăng cường tham vấn, có tiếng nói chung trước những vấn đề khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và phát triển của ASEAN cũng như trong định hướng quan hệ với các đối tác và định hình cấu trúc khu vực.

Về các lĩnh vực hợp tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xác định rõ trọng tâm, ưu tiên trong quá trình thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch triển khai trên từng trụ cột. Cụ thể, về chính trị - an ninh, ASEAN cần đẩy mạnh các hoạt động xây dựng lòng tin, các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, phát huy các quy tắc và chuẩn mực ứng xử của ASEAN, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, gìn giữ hòa bình, an ninh, ngăn ngừa nguy cơ xung đột ở khu vực, hợp tác ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là khủng bố và an ninh mạng.

Về kinh tế, ưu tiên hiện nay là thực hiện các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, thúc đẩy hợp tác khu vực về giám sát kinh tế vĩ mô, bảo đảm ổn định tài chính-tiền tệ.

Về văn hóa-xã hội, đẩy mạnh trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, nhất là lao động lành nghề, chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai.

Về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển, tập trung phát triển mạng lưới đường bộ và đường sắt, tăng cường năng lực đường biển và hàng không; nâng cao năng lực hội nhập khu vực của Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp và các tầng lớp xã hội, tạo sự đồng thuận và ủng hộ đối với hợp tác ASEAN, đồng thời cam kết Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên triển khai những hoạt động thiết thực, hiệu quả ghi dấu ấn sâu đậm cho ASEAN sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển lớn mạnh.

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có tiếp xúc song phương với Thủ tướng CHDCND Lào và Tổng thống Philippines.

Thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông

Trước đó trong buổi sáng, tại Thủ đô Vientiane, Lào đã diễn ra các Hội nghị trù bị cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, gồm Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 18 và Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 14. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị.

Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh  hoan nghênh những tiến triển tích cực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời nhấn mạnh ASEAN cần xác định rõ những trọng tâm, ưu tiên cũng như đề ra các cách thức và biện pháp sáng tạo để thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị, cần có các biện pháp thiết thực để thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, nhấn mạnh yêu cầu thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển Liên hợp quốc 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm hoàn tất COC.

 

Theo Đại đoàn kết

.