Theo thống kê của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, ngày 1/1-17/2, bệnh viện tiếp nhận 1600 bệnh nhi mắc bệnh cúm mùa đến khám bệnh và có đến 900 bệnh nhi đã phải nhập viện để điều trị. Cụ thể, tháng 1/2019 là 1.175 trường hợp mắc cúm, nhập viện điều trị là 615 trường hợp. Từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 17/2 là 424 trường hợp, trong đó phải nhập viện là 285 trường hợp.

Theo lý giải của các bác sĩ, thời điểm đầu mùa, điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho các chủng virus cúm phát triển, do đó, số lượng bệnh nhân mắc cúm cũng gia tăng cao.

Trong đó, ngày 15/2, Bệnh viện tiếp nhận 3 bệnh nhi lần lượt ở độ tuổi 16 tháng tuổi, 29 tháng tuổi, 13 tuổi, cùng trong một gia đình nhiễm cúm A. Ba bệnh nhi trên gồm: Vũ Thế Phong (SN 2006), Vũ Bảo Hân (SN 2016), Trần Vũ Bảo Ngọc (SN 2017, tại xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Tuy nhiên, biểu hiện của 3 trẻ hoàn toàn bình thường, nên được coi đó chỉ là một ca cúm mùa, chưa có các biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản.

Tính đến ngày 19/2, bệnh nhi Phong và Hân đã được ra viện. Còn bệnh nhi Ngọc cơ bản sức khỏe đã ổn định, được tiếp tục theo dõi và dự kiến ra viện trong những ngày tới.

Theo các bác sỹ tại Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, khi trẻ em có những biểu hiện lâm sàng như: sốt cao liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật, trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh, trẻ khó thở, thở nhanh thì gia đình cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị.

Trong các biện pháp phòng ngừa cơ bản với bệnh Cúm truyền nhiễm, bác sỹ khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ cần nắm vững gồm:tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng lưu ý vệ sinh răng miệng cho trẻ, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Hoàng Hưng