|
|
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin về các hoạt động của Festival Huế 2018. |
Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế diễn ra từ ngày 27/4 đến hết ngày 2/5. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị từ nội dung đến các hạng mục công trình chính của lễ hội cơ bản đã hoàn tất.
Tại trung tâm thành phố Huế, người dân, du khách trong và ngoài nước bắt đầu cảm nhận được không khí sôi động của một kỳ Festival mới đang đến rất gần, đường phố rực rỡ sắc màu các hình thức cổ động trực quan cho Lễ hội, các sân khấu và điểm sẽ diễn ra hoạt động đã hoàn tất những hạng mục sau cùng, nghệ sĩ khắp nơi lần lượt đến Huế …
Kế thừa sự thành công của các kỳ Festival trước đây, Festival Huế lần thứ X - 2018 tiếp tục là nơi hội tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam và 19 quốc gia trên thế giới; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế và giới thiệu quảng bá những giá trị đặc sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế.
Nhiều hoạt động hướng đến kỉ niệm 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993-2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003-2018) đã được tổ chức và hoạt động rất sớm trước ngày khai hội.
Theo BTC thông tin, Festival Huế 2018 quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam và 19 quốc gia trên thế giới với 15 nhà hát, đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ Việt Nam, 24 đoàn nghệ thuật quốc tế (châu Á: 9 quốc gia gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines, Sri Lanka, Mông Cổ, Israel. Việt Nam; châu Âu: 7 quốc gia gồm Pháp, Bỉ, Nga, Slovakia, Đan Mạch, Ba Lan, Tây Ban Nha; châu Mỹ: 2 quốc gia là Colombia và Mexico; châu Úc có Australia và châu Phi có Maroc).
1296 nghệ sĩ ( trong đó có 388 nghệ sĩ quốc tế, 398 nghệ sĩ trong nước và 510 nghệ sĩ và diễn viên không chuyên trong tỉnh TT Huế) tham gia biểu diễn 38 chương trình nghệ thuật với nhiều loại hình phong phú, đa sắc màu ở các sân khấu trung tâm thành phố và các huyện thị trong tỉnh.
Nhiều nghệ sĩ có mặt tại Festival lần này rất nổi tiếng, tên tuổi và tài năng của họ là hiện tượng độc đáo cho bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng như để lại dấu ấn của nghệ thuật đương đại.
|
|
Toàn cảnh họp báo Festival Huế 2018. |
Một trong những điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của Festival Huế đối với các festival nghệ thuật khác là thông qua các kỳ Festival, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đã giới thiệu với quốc tế về những tài nguyên di sản của mình, về những bản sắc vùng miền của mình một cách sống động nhất.
Quần thể di tích kiến trúc cung đình Huế cùng với các di sản thế giới Huế là hạt nhân gắn kết với nhiều nội dung trong các hoạt động Festival: Không gian Đông Tây Điện Thái Hòa, Duyệt Thị Đường, Vườn Cơ Hạ, Vườn Thiệu Phương, sân Điện Cần Chánh, sân Điện Kiến Trung, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh- Đại Nội, Không gian Cung An Định...
Những lễ hội mang màu sắc cung đình, những lễ hội mới đậm nét truyền thống Huế, Việt Nam tiếp tục là những điểm nhấn quan trọng tại Festival Huế 2018.
Đặc biệt, tham gia Festival Huế 2018 cũng là cơ hội được tìm hiểu, thăm thú và trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 Di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016).
Huế còn cùng với 11 tỉnh thành phố miền Trung đồng chủ sở hữu 1 di sản phi vật thể vừa mới được UNESCO công nhận vào tháng 12.2017 là nghệ thuật Bài Chòi.
Festival Huế luôn quan tâm đến các hoạt động phục vụ công chúng rộng rãi. Ngoài các sân khấu trong Đại Nội và Cung An Định có bán vé, 6 sân khấu ngoài trời ở trung tâm thành phố, các sân khấu ở Phong Điền, Hương Thủy đã chuẩn bị sẵn sàng cho các đoàn nghệ thuật quốc tế, đoàn nghệ thuật trong nước và các lễ hội.
Ngoài các chương trình chính, còn có các sự kiện, chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, các hoạt động văn hóa cộng đồng. Mỗi kỳ Festival Huế, ngoài các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở hàng chục sân khấu trong thành phố và ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh, càng về sau, các chương trình hoạt động văn hóa cộng đồng, các hoạt động triển lãm, các hoạt động hưởng ứng phong phú do các tổ chức xã hội, các hội văn học nghệ thuật, kể cả cá nhân nghệ sĩ tự tổ chức ngày càng nhiều.
Thực sự có thể nói Festival Huế là một tổ hợp lễ hội chuyên đề trong một lễ hội lớn. Công chúng và du khách có nhiều hoạt động để xem, để hòa mình vào không khí hội hè đầy hứng thú. Trên 37 hoạt động như thế sẽ diễn ra tại Festival Huế 2018.
Hội thảo Khoa học Quốc tế, Hội chợ Thương mại Quốc tế, Liên hoan và các hình thức giới thiệu ẩm thực Huế, ẩm thực Việt, ẩm thực chay, các Lễ hội Diều, Sắc màu tuổi thơ, các Lễ hội ở các làng quê “Hương xưa Làng cổ”, “Chợ quê ngày hội”, “Sóng nước Tam Giang”, “Thuận An Biển gọi”…
Hàng chục cuộc triển lãm, trưng bày nghệ thuật, cổ vật, hoa, các hoạt động thể thao đa dạng cùng các hoạt động tương tác với du khách, chương trình diễn nghệ thuật của các nhóm nhạc và các câu lạc bộ tại các tuyến phố đi bộ.…
Các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, từ Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới, đến vùng cao A Lưới, Nam Đông và vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai.
Tất cả hứa hẹn một mùa lễ hội ở cố đô Huế với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn với du khách gần xa.
Hoàng Lan/Công luận