(BVPL) - Quốc hội vừa thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 


ĐB Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) băn khoăn, làm thế nào để dự luật này có sự kết nối hài hòa, nhất quán với Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác để thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp: “Dự thảo Luật Doanh nghiệp vẫn quy định, trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức quản lý, tổ chức lại giải thể và hoạt động liên quan đến doanh nghiệp thì áp dụng theo quy định của luật đó. Nhưng Luật Đầu tư lại quy định, trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và các luật khác thì thực hiện theo quy định của luật này, trừ Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Dầu khí. Theo tôi quy định như vậy tại 2 dự thảo luật là chưa hợp lý, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Quy định tại Luật Đầu tư như vậy phải được đặt trong Luật Doanh nghiệp” - ông Lộc nói.

Về quyền của doanh nghiệp, ĐB Lộc nhận xét, dự luật là đạo luật nền tảng cho hoạt động của doanh nghiệp, những quy định về quyền của doanh nghiệp trong luật này có ý nghĩa như “kim chỉ nam”, như khuôn khổ hành động, buộc các cơ quan Nhà nước chuyên ngành khi áp dụng các quy định trong doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp, quyền này được sử dụng như “cái neo” để họ dựa vào đó thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình để khiếu nại, nếu bị vi phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng, điểm nhấn quan trọng trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này là đã chuyển được chế định về ngành nghề cấm kinh doanh, đầu tư và ngành nghề đầu tư có điều kiện từ Luật Doanh nghiệp sang Luật Đầu tư để đảm bảo tính thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh doanh để những nội dung này không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp mà tất cả các chủ thể kinh doanh khác. Theo đó, ĐB Lê Đức Lâm (Đoàn Bình Thuận) cho rằng: “Nguyên tắc cao nhất của quyền tự do kinh doanh là doanh nghiệp được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Theo Điều 28 của dự thảo luật, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi đủ các điều kiện ngành nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh. Nếu không đưa ra các danh mục ngành nghề cấm kinh doanh thì hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Tôi  đề nghị dự thảo luật cần bổ sung danh mục này để định hướng cho hoạt động doanh nghiệp”.

Ủng hộ tinh thần đổi mới tư duy và cải cách hành chính trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp trong dự thảo luật, song một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về việc quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau khi thành lập vì trong dự thảo luật không thấy một chế tài nào ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Do vậy, tình trạng lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để vi phạm, nhất là các trường hợp cứ sau 1 dự án lại thành lập mới doanh nghiệp để trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, gây nên nhiều hậu quả xấu cho xã hội.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: “Trên thực tế những năm qua, nhiều doanh nghiệp thành lập ra để mua bán hóa đơn, trốn thuế, lậu thuế, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản Nhà nước thông qua hình thức hoàn thuế giá trị gia tăng. Tại thành phố lớn, nhiều doanh nghiệp kinh doanh các loại hình karaoke, quán bar, khách sạn có vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử phạt hành chính nhưng ngay sau đó, họ giải thể doanh nghiệp hoặc trốn tránh. Sau đó 1 tuần, tại địa điểm đó lại có 1 doanh nghiệp tên khác kinh doanh như cũ mà thực ra vẫn một chủ cũ mà thôi. Với các tên doanh nghiệp khác nhau nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được và cũng không tìm ra chủ doanh nghiệp để thi hành quyết định xử phạt hành chính”.

“Thực tế rất nhiều doanh nghiệp bây giờ không muốn xây dựng thương hiệu, bởi vì xây dựng thương hiệu làm hết công trình này, công trình khác họ tồn tại mãi, họ sẽ chịu sự kiểm tra, thanh tra, năm này, năm kia, có thể 3 năm họ quay lại thanh tra, kiểm tra. Nhưng bây giờ họ thành lập ra một doanh nghiệp làm dự án đó, xong dự án đó thì giải  thể. Bao nhiêu hệ quả xảy ra họ cũng không bị kiểm toán, không phải chịu kiểm tra thuế, thanh tra thuế, cũng không bị kiểm tra quyết toán tồn tại nhiều năm. Cho nên họ không muốn xây dựng thương hiệu lâu dài mà thành lập xong người ta giải thể ngay” - ĐB Ánh nhấn mạnh.

Do đó, ông Ánh đề nghị trong luật này phải thiết kế những điều, khoản ràng buộc được sự quản lý của Nhà nước, ít nhất là của chính quyền.

Nhiều đại biểu cũng đóng góp ý kiến về tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; con dấu doanh nghiệp; vấn đề doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và vấn đề nhóm công ty.
 

Đức Hòa

.