(BVPL) - Vừa qua, Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Trong đó, các nội dung như: cấm tiết lộ đời tư cá nhân, xuyên tạc lịch sử, được liên kết trong hoạt động báo chí, họp báo phải được cơ quan nhà nước chấp thuận… là những điểm mới của dự thảo đã được đông đảo các đại biểu, chuyên gia, nhà báo quan tâm thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.
Tại Hội nghị, Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (UBVHGDTNTN&NĐ) cho biết: “Luật Báo chí đã được ban hành từ năm 1989 và được sửa đổi, bổ sung năm 1999. Sau 15 năm thi hành, Luật Báo chí hiện hành cùng hệ thống văn bản dưới luật đã tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho quản lý lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt là xu hướng hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và internet diễn ra mạnh mẽ, Luật Báo chí hiện hành đã không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của báo chí Việt Nam, không bao quát được đầy đủ hoạt động thuộc lĩnh vực quan trọng này. Hơn nữa, qua thực tiễn hoạt động báo chí, nhiều quy định của Luật Báo chí đang bộc lộ những hạn chế, bất cập”.
Nhà báo Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, việc giải thích từ ngữ chưa bao quát được tình hình phát triển báo chí hiện nay. Ví dụ như phụ trương, có nhiều báo tập trung vào số phụ, lộn xộn ở số phụ. Về nguyên tắc, số phụ phải theo đúng tôn chỉ, mục đích của số chính để tránh lộn xộn. “Theo tôi, tại khoản 21, định nghĩa này là tốt, nhưng chưa phản ánh thực tế hiện nay đang nhức nhối là làm báo a dua, báo cắt dán. Định nghĩa chưa bao gồm được bệnh cắt dán. Hiện nay, làm báo a dua và cắt dán đang là mối nguy hại của báo chí, vì vậy nên qui định chi tiết hơn. Những báo điện tử chân chính hiện nay người ta bức xúc lắm, vì người ta làm mãi mới được 1 tin bài mà lại cắt dán tin bài rất nhanh và lộn xộn. Việc xử lý vi phạm cũng rất khó.”
Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ cho rằng, quyền tự do báo chí là quyền cơ bản của công dân. Quyền tự do báo chí là một trong những quyền công dân mà Hiến pháp ghi nhận tại Điều 25 cũng phải được điều chỉnh theo các qui định trên. Tuy nhiên, cho đến lần sửa đổi này, dự thảo Luật Báo chí vẫn chưa thừa nhận báo chí tư nhân. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng bày tỏ, khó có thể nói rằng việc hạn chế đối tượng được thành lập cơ quan báo chí chỉ trong phạm vi các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Nhà nước và các tổ chức “của Nhà nước” là phù hợp với cam kết “công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm” quyền con người, quyền công dân tại Điều 14, và “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” tại Điều 16 của Hiến pháp. Như vậy, chỉ có thể hiểu rằng việc hạn chế xuất phát từ các lý do quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, lý do này tỏ ra không thuyết phục”.
Từ những đánh giá thực tiễn hoạt động báo chí 15 năm qua, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) có nhiều điểm mới, trong đó quy định cụ thể về: hoạt động của nhà báo, vai trò chức năng của báo chí: đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; tiêu chuẩn của người đứng đầu cơ quan báo chí, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, giấy phép hoạt động báo chí, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí...
Dự thảo cũng quy định rõ về quyền và trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với việc thông tin về vụ án: “Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí. Báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình nhưng không được quy kết tội danh; phải nêu rõ là nguồn tin riêng của báo, nhà báo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.
Về nghĩa vụ giữ bí mật nguồn tin: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Dự thảo bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lời trên báo chí tại Điều 37: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí”. Nhưng đồng thời, ngược lại: “Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trên báo chí”.
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Tổ trưởng Tổ Biên tập của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cho hay, dù dự thảo đã được thực hiện một cách công phu nhưng chưa thể bao quát hết mọi hoạt động rất đa dạng của báo chí. Vì vậy, rất cần sự đóng góp ý kiến của nhân dân, các nhà báo để trình Quốc hội xem xét.
Thanh Thúy