Lúc 10h18 sáng nay, cư dân các tòa nhà ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương... có cảm giác chóng mặt, đồ đạc rung lắc. Viện Vật lý Địa cầu xác định, đã xảy ra động đất 4,4 độ richter ở Kiến An (Hải Phòng).
Tương tự, anh Đoàn cho hay, khoảng 10h20, đang làm việc ở cơ quan trên đường Điện Biên Phủ (Hải Phòng), anh cảm nhận ghế ngồi rung lắc khoảng 5-6 giây. Nhiều người dân ở quận Kiến An, Ngô Quyền cũng phản ánh nhà có cảm giác giật như bị lún, mọi người lo sợ chạy ra ngoài.
Đang ngồi, anh Lê Hòa (Bãi Cháy, Quảng Ninh) chợt thấy nhà lắc mạnh, đồ đạc rung bần bật còn âm thanh bị nhiễu. Còn chị Hồng Minh (Bắc Ninh) cho biết, chị ở nhà cấp 4 nhưng cũng cảm nhận được dư chấn, các vật dụng trong nhà đều bị chao đảo. Người dân ở một số địa phương khác như Thái Nguyên, Bắc Giang, Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ... cũng cảm nhận được rung lắc.
Ông Lê Huy Minh, Phó giám đốc Viện Vật lý địa cầu xác nhận, 10h18 đã xảy ra trận động đất có độ lớn 4,4 độ richter ở khu vực Kiến An (Hải Phòng), độ sâu chấn tiêu là 15 km. Trận động đất này có thể gây nên rung động cấp 5 (theo thang MSK-64). Đây là trận động đất yếu không có khả năng gây thiệt hại nhưng người dân ở khu vực tâm chấn cảm thấy được đồ vật treo bị đung đưa.
Theo ông Minh, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trong khi đó, 2h sáng nay, nhiều người dân ở xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) ghi nhận động đất kèm theo tiếng nổ lớn gây rung lắc nhà cửa. Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã cho hay, suốt ba ngày qua, đêm nào cũng xảy ra những trận động đất, lòng đất thỉnh thoảng rung bần bật khiến người dân lo sợ. "Động đất dồn dập xảy ra khiến hơn 300 nhà dân ở các khu tái định cư của xã bị nứt, hư hỏng. Người dân bây giờ không dám ở nhà xây nữa, đổ xô đi dựng lều, nhà sàn gỗ để phòng tránh động đất", ông Tiến nói.
Tuy nhiên, do Trạm địa chấn ở quá xa nên không thể ghi nhận những trận động đất nhỏ xảy ra tại khu vực này. Các chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu đang lắp đặt hệ thống trạm địa chấn ở huyện Bắc Trà My và một số địa phương lân cận thủy điện nói trên để có thể đo đạc những trận động đất từ 1 độ richter trở lên.
Trao đổi với phóng viên, GS Cao Đình Triều, Chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trận động đất xảy ra ở Hải Phòng thuộc dạng động đất kiến tạo trên điểm giao nhau của hai đới đứt gãy mang tên Đông Triều - Cẩm Phả và sông Hồng. Đáng lo ngại là đới đứt gãy Đông Triều - Cẩm Phả đang hoạt động mạnh.
"Đới đứt gãy này kéo dài từ Trung Quốc sang Việt Nam, và trên đới này từng xảy ra trận động đất cực mạnh 6,5 độ richter. Trước đây ở Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cũng từng xảy ra động đất kiến tạo trên đới đứt gãy này", GS Triều cho biết thêm.
Đêm cuối tháng 3/2011, trận động đất mạnh cấp 4 (theo thang MSK-64) khiến người dân ở Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Lai Châu... hốt hoảng vì thấy nhà cửa, đồ đạc rung lắc. Cảm nhận rõ nhất là người dân sống trong các khu chung cư cao tầng.
Theo VnExpress