Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải tiêu biểu, xuất sắc…
Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội. Cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đối với cán bộ đảng viên phải là những người tiêu biểu, xuất sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, kinh nghiệm, thể hiện trách nhiệm nêu gương, không vi phạm những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội…
Đối với người giới thiệu để bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên; ở địa phương phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên.
Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội phải đủ tuổi tham gia 2 khóa trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 2/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây (tính đến tháng 5/2021 chưa quá 55 tuổi 3 tháng đối với nam; 50 tuổi 4 tháng đối với nữ).
Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây (tính đến tháng 5/2021 chưa quá 57 tuổi 9 tháng đối với nam; 52 tuổi 10 tháng đối với nữ).
Riêng những người ứng cử đại biểu Quốc hội là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.
Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương khi đến tuổi nghỉ hưu được giữ chức vụ công tác đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương khi đến tuổi nghỉ hưu thì thôi giữ các chức vụ và tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đến hết nhiệm kỳ.
Việc xem xét kết luận về tiêu chuẩn chính trị và bố trí sử dụng đối với nhân sự là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện theo Quy định 126-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 19-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương.
Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội
Hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV gồm: Đơn ứng cử theo mẫu số 01/HĐBC-QH; Sơ yếu lý lịch theo mẫu số 02/HĐBC-QH, có đóng dấu giáp lai và xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ứng cử cư trú; Tiểu sử tóm tắt theo mẫu số 03/HĐBC-QH; Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu số 04/HĐBC-QH. Mỗi bộ hồ sơ ứng cử kèm theo 03 ảnh chân dung màu, nền trắng, cỡ 4x6cm (không kể ảnh dán trên Sơ yếu lý lịch và Tiểu sử tóm tắt); Ảnh được chụp trong thời gian 6 tháng tính đến này nộp hồ sơ ứng cử.
Người ứng cử thực hiện kê khai các nội dung đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn trong các mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử. Việc kê khai có thể thực hiện bằng cách viết tay hoặc đánh máy nhưng phải bảo đảm đúng mẫu văn bản thuộc hồ sơ ứng cử do Hội đồng Bầu cử quốc gia ban hành. Người ứng cử ký vào từng trang văn bản của hồ sơ ứng cử.
Người được tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nộp 2 bộ hồ sơ ứng cử tại Hội đồng Bầu cử quốc gia (Nhà Quốc hội, số 01 đường Độc Lập, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội).
Người được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội nộp 2 bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên.