leftcenterrightdel
 Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị.

Ngày 9/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tổng số đại biểu Quốc hội của tỉnh Thái Nguyên được bầu là 7, trong đó số đại biểu do Trung ương giới thiệu là 3 và số đại biểu cư trú, làm việc tại địa phương do các cơ quan, tổ chức ở tỉnh Thái Nguyên giới thiệu là 4.

Về cơ cấu, dự kiến, các đại biểu Quốc hội cư trú và làm việc tại địa phương sẽ gồm: 1 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, 1 đại biểu chuyên trách, 1 đại biểu Viện Kiểm sát và ưu tiên giới thiệu 1 đại biểu thuộc lĩnh vực y tế.

Về cơ cấu kết hợp giới thiệu ứng cử, có 4 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 2 đại biểu nữ, 1 đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) và 3 đại biểu tái cử.

Căn cứ phân bổ của Trung ương, thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần 25 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao tầm quan trọng của việc xây dựng dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Thái Nguyên. Hội nghị cũng đã thống nhất kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm số đại biểu tái cử từ 3 người xuống còn 2 người.

Trước đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026 gồm 149 người, trong đó đại biểu thuộc các cơ quan cấp tỉnh giới thiệu 43, đại biểu do địa phương giới thiệu là 106.

leftcenterrightdel
Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để đưa ra phương án thống nhất về thành phần, số lượng người tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh. Ảnh: TTXVN 

Ngày 8/2, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để đưa ra phương án thống nhất về thành phần, cơ cấu, số lượng người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo báo cáo của HĐND tỉnh Tây Ninh, dân số toàn tỉnh tính đến ngày 31/12/2020 là 1.178.329 người, do đó dự kiến sẽ giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 là 99 người. Trong đó, đại biểu nữ được đề xuất là 41 người, đại biểu dưới 40 tuổi là 21 người, đại biểu là người ngoài Đảng 12 người, đại biểu dân tộc thiểu số, tôn giáo 7 người, còn lại là các đại biểu tái cử (18 người), đại biểu các ngành, các huyện, thị, thành phố, đoàn thể khác; dự kiến có 16 đơn vị bầu cử.

Tỉnh Tây Ninh dự kiến giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV là 11 người gồm 3 đại biểu tái cử (dự kiến 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu), 1 đại biểu dưới 40 tuổi, 1 đại biểu ngoài Đảng (tôn giáo), 1 đại biểu ưu tiên ngành luật và 5 đại biểu thuộc các huyện, ngành, đoàn thể.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 và ĐBQH khóa XV do HĐND tỉnh dự kiến.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh đề nghị, các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc góp ý thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và chủ động báo cáo với cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị rà soát lựa chọn những đại biểu ưu tú, đủ đức, đủ tài, đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần để giới thiệu ứng cử.

Sau hội nghị này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh sẽ có thông báo hướng dẫn cụ thể các bước tiếp theo thực hiện đúng quy trình để công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả cao nhất.

leftcenterrightdel
Các đại biểu biểu quyết thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH tỉnh khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: Báo Quảng Nam 

Sáng 8/2, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo công văn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, tổng số ĐBQH tỉnh Quảng Nam khóa XV được bầu là 7, trong đó, số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 4, đại biểu do Trung ương giới thiệu 3 đại biểu.

Với đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, theo cơ cấu định hướng là 3 đại biểu, gồm 1 lãnh đạo chủ chốt tỉnh, 1 đại biểu chuyên trách và 1 đại biểu đoàn thanh niên. Còn theo cơ cấu hướng dẫn là 1 đại biểu do địa phương giới thiệu, ưu tiên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sản xuất kinh doanh…

Về cơ cấu kết hợp do địa phương giới thiệu: Người dân tộc thiểu số giới thiệu ứng cử là 2 (thuộc dân tộc Cơ Tu), phụ nữ giới thiệu ứng cử 4 người, đại biểu ngoài Đảng 1 người, đại biểu tái cử 3 người.

Trên cơ sở thảo luận, hội nghị thỏa thuận thống nhất lựa chọn giới thiệu 10 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Như vậy, tổng số đại biểu giới thiệu ứng cử ĐBQH tỉnh khóa XV là 13 người, để bầu chọn 7 người tham gia hoạt động ĐBQH nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng thời thống nhất đề nghị Trung ương xem xét có sự điều chỉnh cho phù hợp đối với quy định tái cử 3 ĐBQH tỉnh khóa XIV, bởi trong điều kiện thực tiễn của Quảng Nam việc quy định cơ cấu này không phù hợp.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, thỏa thuận thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 của các cơ quan, tổ chức, đơn vị bảo đảm số dư, tỉ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, trẻ tuổi theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Theo đó, thống nhất giới thiệu 95 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa X để cử tri bầu chọn 57 người tham gia hoạt động đại biểu HĐND tỉnh khóa X.

Trong đó, phấn đấu giới thiệu đảm bảo có ít nhất 35% (32 người) trong danh sách chính thức được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là nữ. Phấn đấu tỉ lệ phụ nữ trúng cử là 30% tổng số đại biểu HĐND tỉnh (17 người).

PV