(BVPL) - Tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã không đồng tình với phương án nâng tuổi nghỉ hưu. Nhiều đại biểu cho rằng cần phải giải quyết vấn đề nợ đọng, trốn hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Đại biểu Nguyễn Quang Cường (Đoàn TP. Hải Phòng) nhận xét: Về tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo luật, tôi thấy cơ quan chủ trì soạn thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng là cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật Lao động, trong khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 quy định rất rõ về tuổi nghỉ hưu tại Điều 187 nhưng Ban soạn thảo lại đưa quy định về tuổi nghỉ hưu vào dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này, rõ ràng là “luật sau đè lên luật trước, luật con không phù hợp với luật mẹ”.
Bên cạnh đó, báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu các doanh nghiệp nợ đóng BHXH trên 11.000 tỷ đồng nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, an toàn quỹ BHXH và chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được chuẩn bị trình Quốc hội tội Chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người sử dụng lao động, nhằm ngăn ngừa tình trạng trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT của người sử dụng lao động có xu hướng gia tăng nghiêm trọng hiện nay.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phụng (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, quy định người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Vì vậy, việc quy định tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động phải căn cứ vào Bộ luật Lao động và điều kiện sức khỏe, thể chất, môi trường làm việc của người Việt Nam để áp dụng vào Luật Bảo hiểm xã hội, không thể tham khảo luật của một số nước hoặc dựa vào số liệu thống kê về độ tuổi nghỉ hưu của nam giới và nữ giới tại 165 quốc gia và vùng lãnh thổ để áp vào Luật bảo hiểm xã hội của Việt Nam.
Hơn nữa, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ luật lao động mới có hiệu lực được tròn 1 năm, nên không thể vì Luật Bảo hiểm xã hội mà phải điều chỉnh và sửa đổi. Đồng thời, theo bản thuyết minh của Chính phủ trong vấn đề tăng tuổi đời hưởng lương hưu có nhiều lý do, trong đó có lý do nếu áp dụng như hiện nay thì Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ không còn khả năng chi trả vào năm 2034.
Theo báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, số tiền nợ BHXH gần 5.000 tỷ đồng, riêng trong năm 2013 có 521 doanh nghiệp nợ BHXH với tổng số tiền trên 1.600 tỷ đồng, chiếm 34% tổng số nợ BHXH. Đây là con số khá lớn, đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có giải pháp hoặc đề ra những biện pháp tích cực và quyết liệt hơn để thực hiện vấn đề này, có như vậy Quỹ bảo hiểm xã hội mới phát triển bền vững được.
Đại biểu Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) không đồng tình với quy định về nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2016 trở đi. Theo đại biểu này thì, nếu bộ máy của BHXH tốt và quản lý tốt thì không cần phải tăng độ tuổi nghỉ hưu. BHXH cũng là một tổ chức chịu sự quản lý nhà nước của 3 Bộ (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính). Nhưng chính quy định quản lý nhà nước bị chia cắt như vậy nên việc quản lý và kiểm soát hoạt động của BHXH chưa chặt chẽ và dẫn đến trong thời gian qua có những sai phạm nhất định.
Còn đại biểu Nguyễn Minh Phương (Đoàn TP. Cần Thơ) băn khoăn, ban soạn thảo đã có đầy đủ bằng chứng để chứng minh rằng trong 2 năm qua và những năm tiếp theo, các yếu tố về sức khỏe, thể chất, điều kiện và môi trường làm việc của đa số người lao động được cải thiện hoàn toàn hay chưa mà đột ngột tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng đều nhắm vào lực lượng trẻ ở nhóm gần 72.000 lao động có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm. Do đó, “tôi đề nghị luật xây dựng cần phù hợp với chính sách của nhà nước, phải đảm bảo làm sao hướng tới phục vụ người lao động ngày càng tốt hơn, không khéo sẽ đi lệch mục tiêu thay vì chăm sóc sức khỏe cho người lao động thì lại cố giữ người lao động làm việc. Điều này làm giảm đi quyền lợi của người lao động và hậu quả dẫn tới giảm tuổi thọ của người Việt Nam. Do đó, tôi đề nghị tuổi nghỉ hưu phải theo Bộ luật Lao động” – Đại biểu Phương đề xuất.
Ngọc Đức