Sớm tham gia hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến cứu nước và các giai đoạn xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

leftcenterrightdel
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Ảnh (Ảnh: TTXVN)
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có bí danh Sáu Nam, sinh ngày 1/2/1920, tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ 1937, trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Một năm sau, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1944, ông tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ông giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng, Chính trị viên Tiểu đoàn, Trung đoàn. Từ tháng 10/1948 , ông là Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Từ 1951, ông là Tham mưu phó, quyền Tham mưu Trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Sau đó, ông là Cục phó Cục Tác chiến; Cục Trưởng Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng Tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ tháng 8/1963, ông là Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 2/1964 đến 1974, ông là Phó Tư lệnh, kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam; Tư lệnh Quân khu 9.

leftcenterrightdel
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gặp Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Cuba, từ ngày 12- 17/10/1995 (Ảnh: TTXVN).
Ông đảm nhiệm Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam từ 1974. Tháng 6/1974, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư Lệnh cánh quân hướng Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

Khi đất nước thống nhất, ông làm Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980.

Từ 1981 - 1986, ông là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Camphuchia; được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986.

Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 2/1987. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1997, ông là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.

Trong hồi ký của của mình, Đại tướng Lê Đức Anh viết: “Thắng lợi trọn vẹn của chúng ta có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân to lớn nhất, cơ bản nhất, gốc rễ nhất là tư tưởng “Nhân ái”. Tư tưởng “nhân nghĩa” của thời đại Hồ Chí Minh là bắt nguồn truyền thống chí nhân chí nghĩa của dân tộc, như Nguyễn Trãi từng viết trong “Đại Cáo Bình Ngô”: “Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.

leftcenterrightdel
Đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đến thăm, chúc mừng sinh nhật lần thứ 96 của Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh ngày 1/12/2016 (Ảnh:TTXVN) 
Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với các chiến trường từ Bắc vào Nam, cụ thể: Tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, đi chiến trường miền Nam 11 năm (1964-1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979-1986), ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986-1989), đồng thời có mặt tại Trường Sa trong những ngày căng thẳng nhất.

Điều đáng nói, ông là vị tướng luôn trực tiếp tham gia những trận đánh, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh: Chiến dịch Mậu Thân 1968, chống lấn chiếm 1973, Phước Long 1974, chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), chiến dịch giải phóng Campuchia (1979); chấm dứt xung đột biên giới với Trung Quốc (1979-1989); bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc (1979-1988).

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh được khen thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân chương của Liên Xô (cũ), Cu Ba, Campuchia, Lào.

Ông là đại biểu Quốc hội khóa: VI, VII, VIII và IX; Uỷ viên Trung ương Đảng khóa từ IV đến khóa VIII; Uỷ viên Bộ Chính trị khóa: V, VI, VII và VIII.

Sau khi nghỉ công tác, ông vẫn nghiên cứu và đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, có tầm chiến lược đối với Đảng và Nhà nước ta. Ngoài những đóng góp to lớn cho cách mạng và đất nước, có thể coi ông là một trong những kiến trúc sư, tham gia quan trọng vào tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và Việt Nam - Trung Quốc.

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh cũng chính là người khởi xướng và đề xuất việc Đảng và Nhà nước ta phong tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng để tri ân những tấm gương phụ nữ cao quý hy sinh chồng con trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Nhân dân Việt Nam, lịch sử dân tộc ghi nhận và đánh giá công bằng sự hy sinh và đóng góp của Ông cho đất nước.

Nhật Minh (t/h)