(BVPL) - Sáng ngày 20/5 kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã khai mạc và dự kiến kết thúc vào ngày 24/6. Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIII diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi đà tăng trưởng nhưng còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế trong nước đang chuyển biến tích cực, tăng trưởng những tháng đầu năm 2014 cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ và kim ngạch xuất khẩu tăng khá; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm...
Tuy vậy, kinh tế vĩ mô còn chưa ổn định, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục, tái cơ cấu nền kinh tế chuyển biến chậm, khó khăn trong sản xuất-kinh doanh còn lớn và đang xuất hiện những khó khăn mới. Tình hình đó đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi vững chắc đà tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội; sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lực của đất nước, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…; đoàn kết nỗ lực phấn đấu, nắm chắc cơ hội vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, tạo đà thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015).
Trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình sẽ trình bày Tờ trình dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).
Theo đó, so với Luật tổ chức VKSND năm 2002 gồm 11 chương, 50 điều; Pháp lệnh Viện kiểm sát quân sự năm 2002 gồm 06 chương, 44 điều và Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 gồm 05 chương, 34 điều... thì dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) giảm còn 07 chương, 13 mục, 107 điều. Như vậy, dự thảo Luật lần này đã giảm 04 chương, nhưng tăng 57 điều; trong đó: sửa đổi 73 điều, bổ sung 34 điều mới và không có điều nào giữ nguyên.
Do dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở pháp điển hóa Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011) và Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002 nên đã có thay đổi căn bản về mặt kết cấu. |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tình hình ở biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa. Đồng bào ta thực sự lo lắng và kiên quyết phản đối; cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ và bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Quốc hội sẽ dành gần 20 ngày để làm công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, nhiều dự án luật sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phá sản, Luật Hải quan, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và Luật Đầu tư công.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ sửa Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và năm 2014; cho ý kiến về 16 dự án luật khác. Đây là một nội dung trọng tâm của kỳ họp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp mới, góp phần hoàn thiện thể chế, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Ngọc Đức