(BVPL) - Đó là ý kiến của ĐB Dương Ngọc Hải (đoàn TP. HCM) trong phiên thảo luận ở hội trường tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

 


Xác định các tiêu chí, các trường hợp phải bồi thường

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) thì cho rằng, trong báo cáo giải trình dự án Luật lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật Chính phủ đã trình, về cơ bản giữ nguyên trên tinh thần của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Với nguyên tắc chung là cơ quan nào ra quyết định gây oan sai cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Qua thực tiễn công tác, tôi nghĩ rằng quy định như vậy là chưa thực sự tháo gỡ được một trong những hạn chế, vướng mắc của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước hiện nay, bởi quy định như thế đồng nghĩa với việc có rất nhiều cơ quan giải quyết bồi thường, dẫn đến việc bồi thường của Nhà nước sẽ không được thể hiện một cách thống nhất và khó có thể triển khai việc bồi thường một cách khách quan và cầu thị.

Ngoài ra, theo đại biểu, như báo cáo giải trình đã đề cập trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rõ ràng, rành mạch, cơ quan nào là cơ quan gây oan sai sau cùng? Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật do Chính phủ trình đã quy định rõ hơn việc giải quyết vấn đề này nhưng trên thực tế thì không hề đơn giản như vậy, đó là chưa kể việc các cơ quan sợ trách nhiệm, lo ảnh hưởng đến uy tín của mình, của ngành nên đã đẩy quả bóng trách nhiệm sang cho ngành khác như trong trường hợp Tòa án sơ thẩm tuyên có tội nhưng Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại nhưng sau đó các bị can, bị cáo bị đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có đủ căn cứ để xác định hành vi phạm tội hoặc cấp sơ thẩm sửa lại tuyên bố bị cáo không phạm tội. Như vậy, chưa có bản án nào đã có hiệu lực pháp luật xác định bị cáo có tội nhưng lại buộc Tòa án trao bản án tuyên bị án có tội phải bồi thường thì chưa thực sự thuyết phục...

Đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) bày tỏ quan điểm, xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự ở các Điều 34, 35, 36. “Tôi tán thành nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường. Vấn đề này chúng ta cũng đã có kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 388 về bồi thường oan do các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Nội hàm trong các Điều 34, 35, 36 đã đi theo đúng hướng này, trong đó xác định các tiêu chí, các trường hợp phải bồi thường của cơ quan điều tra, truy tố và xét xử”.

Điều 34 quy định 3 vấn đề mà cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải bồi thường là ra lệnh giữ người khẩn cấp mà không có căn cứ, ra quyết định khởi tố bị can nhưng Viện kiểm sát không phê chuẩn, Viện kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc kết luận điều tra bị Viện kiểm sát quyết định đình chỉ vụ án. “Tuy nhiên, cơ quan điều tra thời gian qua tôi thấy rất ít bồi thường những trường hợp này vì thông thường sẽ lái sang các nội dung khác, nghĩa là miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, anh có tội này, tội khác không đáng truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải hoàn toàn không có tội, theo đó thì không bồi thường việc tạm giữ, tạm giam không đúng trong quá trình điều tra. Tôi đề nghị cần quy định rõ thêm để tránh việc lạm dụng vấn đề này trong Điều 34”- đại biểu nói.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, quan điểm thứ nhất cho rằng đã là khai thác của tố tụng hình sự là khai thác của cả một quá trình, vì Viện kiểm sát không thể truy tố nếu không có kết quả của Cơ quan điều tra cũng như Tòa án sẽ không thể xét xử nếu như Viện kiểm sát không truy tố và không chuyển các chứng cứ buộc tội sang. Sau đó là cả ba cơ quan: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và các công chức của các cơ quan này đều phải liên đới chịu trách nhiệm bồi hoàn cho ngân sách nhà nước. Nhưng loại ý kiến thứ hai, luật đã trao cho từng cơ quan đều có những thẩm quyền độc lập, cụ thể, sau khi tiếp nhận hồ sơ do Cơ quan điều tra chuyển sang thì Viện kiểm sát cũng có quyền quyết định truy tố hoặc không truy tố bị can ra Tòa. Tương tự như vậy, Tòa án cũng có thẩm quyền tuyên bị cáo có tội hoặc tuyên bị cáo vô tội. Do đó, chỉ có cơ quan làm oan cuối cùng trong quy trình này và công chức của cơ quan này mới phải chịu trách nhiệm bồi hoàn cho ngân sách nhà nước.

“Chúng tôi suy nghĩ, một nền tư pháp có trách nhiệm là nền tư pháp không để người nào gây ra oan đứng ở vòng ngoài và điều này cũng rất phù hợp với cách làm hành chính hiện nay. Ví dụ như, có một dự án đầu tư sai sẽ truy lại từng khâu: khâu tham mưu, khâu thẩm định, khâu phê duyệt, khâu nào làm sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó mà không chỉ dồn trách nhiệm cho khâu phê duyệt cuối cùng. Tư pháp là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sinh mệnh chính trị của con người, chúng tôi cho rằng càng phải quán triệt chặt chẽ nguyên tắc này. Thay vì quy định mang tính nguyên tắc như dự thảo, đề nghị quy định theo hướng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã quyết định việc bắt tạm giữ, tạm giam, khởi tố, kết luận điều tra có tội, truy tố bị cáo ra Tòa xét xử tuyên người đó có tội mà sau này được xác định là oan thì tất cả những người này phải chịu trách nhiệm liên đới bồi hoàn cho ngân sách nhà nước. Cuối cùng là xây dựng một nền tư pháp có trách nhiệm là chúng ta phải xác định đầy đủ từ khâu tố tụng, từ đó sẽ phát huy trách nhiệm của toàn hệ thống tư pháp và đây cũng chính là biện pháp tốt để phòng ngừa oan sai từ sớm.”- đại biểu Thủy nêu quan điểm.

Trước một vài ý kiến cho rằng, Viện kiểm sát là cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường, từ thực tế, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam) không đồng ý với quan điểm này, bởi lẽ, trong tố tụng hình sự thì nguyên tắc trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã được phân định, mỗi cơ quan đều có trách nhiệm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và đồng thời phải có trách nhiệm giải quyết những hậu quả do thực hiện nhiệm vụ của mình gây ra. Do đó, nếu quy định chỉ Viện kiểm sát chịu trách nhiệm thì sẽ tạo ra việc các cơ quan khác sẽ không ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của mình. “Tôi đồng ý với nguyên tắc là cơ quan quyết định gây oan sau cùng là người chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước để giải quyết và bồi thường, đây là nguyên tắc mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất và đưa vào dự thảo tại các Điều 34, 35, 36” – đại biểu bày tỏ. Mặt khác, đại biểu Dũng cũng cho rằng việc giao cho Viện kiểm sát đứng ra làm hết việc này thì cũng là một áp lực đối với ngành Kiểm sát, do đó, việc quy định như dự thảo là hợp lý.

“Vấn đề thứ hai, có đại biểu đề nghị tăng mức hoàn trả trong tố tụng hình sự, tôi cũng không đồng tình với ý kiến này, bởi vì trong tố tụng hình sự, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ rất quan trọng, rất đặc biệt với những tính chất phức tạp, khó khăn, với những ràng buộc về mặt tố tụng, về mặt thời gian, về bảo vệ quyền con người. Do đó, cũng như các điều kiện để áp dụng các quy định của pháp luật, mức độ rủi ro lớn, vì vậy nếu như quy định ngang bằng với các lĩnh vực khác tôi thấy chưa công bằng, huống chi là đề nghị tăng mức hoàn trả, chúng tôi cho rằng chưa phù hợp và đề nghị trong những trường hợp này chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá đúng từ phía xã hội, từ đó giảm mức hoàn trả trong trường hợp vô ý”.

Phân định rõ cơ quan phải bồi thường

Chung quan điểm này, đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cơ bản thống nhất với nguyên tắc là cơ quan nào gây oan sai sau cùng thì phải có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 34 thì lại vướng, ở chỗ là khi hồ sơ kết thúc điều tra, Viện kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung mà dẫn đến Cơ quan điều tra đình chỉ hoặc Cơ quan điều tra được bổ sung xong chuyển sang Viện kiểm sát để Viện kiểm sát đình chỉ thì như vậy cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường? Nếu như quy định Cơ quan điều tra có trách nhiệm bồi thường thì trái với nguyên tắc trên. Nếu như quy định Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường thì trong trường hợp này, Viện kiểm sát đã không chấp nhận kết quả điều tra của Cơ quan điều tra bằng kết luận điều tra hoặc kết luận điều tra bổ sung mà bắt Viện kiểm sát bồi thường thì đây là một điều vô lý.

Từ phân tích trên, đại biểu đề xuất là đề nghị trở lại thẩm quyền, có nghĩa là Bộ luật tố tụng hình sự quy định thẩm quyền trong các giai đoạn, trong giai đoạn điều tra thì thẩm quyền và nhiệm vụ của Cơ quan điều tra; trong giai đoạn truy tố là thẩm quyền và nhiệm vụ của Viện kiểm sát. “Tương tự như vậy là thẩm quyền xét xử, tôi đề nghị Cơ quan điều tra là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong hoạt động điều tra, trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát hoạt động điều tra và hoạt động xét xử, nhưng Viện kiểm sát không thể thay Cơ quan điều tra để điều tra chứng minh hành vi phạm tội. Tôi nhắc lại, như vậy, trong giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm chính.

Tương tự như vậy, trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm chính và trong giai đoạn xét xử thì Tòa án chịu trách nhiệm chính. Do đó, tôi nghĩ nếu có sai, có oan trong giai đoạn nào thì luật chúng ta nên quy định cơ quan đó có trách nhiệm chính trong việc bồi thường. Đành rằng, việc bồi thường chúng ta cũng dùng ngân sách nhà nước và việc bồi thường tôi cũng đồng ý phải có một cộng đồng trách nhiệm, nếu như oan sai ở giai đoạn điều tra thì Viện kiểm sát cũng phải có trách nhiệm và tương tự, nếu như trong giai đoạn xét xử thì Viện kiểm sát cũng có trách nhiệm. Tôi cũng đồng ý cộng đồng trách nhiệm, tuy nhiên tôi đề nghị phải quy định cơ quan làm đầu mối bồi thường cho rõ ràng. Do đó, nếu như xảy ra oan trong giai đoạn điều tra, tôi đề nghị Cơ quan điều tra làm đầu mối. Còn trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát sẽ làm đầu mối và trong giai đoạn xét xử, nếu có oan, Tòa sơ thẩm xử có tội nhưng phúc thẩm hủy án, dẫn đến đình chỉ thì Tòa án phải chịu trách nhiệm.

Với phân tích trên, tôi đề xuất cụ thể như sau: Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm bồi thường ở các trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn, thậm chí Viện kiểm sát có phê chuẩn và trường hợp mặc dù Cơ quan điều tra có kết luận điều tra nhưng Viện kiểm sát đình chỉ hoặc Cơ quan điều tra đình chỉ thì trong trường hợp này Cơ quan điều tra phải có trách nhiệm bồi thường.

Còn Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường khi Viện kiểm sát đã có cáo trạng truy tố, Tòa án tuyên không có tội thì Viện kiểm sát sẽ có trách nhiệm bồi thường, thậm chí trường hợp Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung mà dẫn đến đình chỉ thì trường hợp này Viện kiểm sát phải có trách nhiệm bồi thường. Tương tự như vậy, Tòa án sẽ có trách nhiệm bồi thường như quy định ở trong Luật, tôi hoàn toàn đồng ý”.
 

Nhóm PV

.