Thông tư số 27/2012/TT-BCA ngày 16-5-2012 về mẫu CMND của Bộ Công an được ban hành căn cứ trên Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3-2-1999 của Chính phủ về CMND và Nghị định 170/2007/NĐ-CP ngày 19-11-2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP về CMND,  trong đó có quy định mẫu CMND mới ngoài các thông tin về cá nhân của người được cấp phải ghi thêm tên cha, mẹ của công dân đó lên mặt sau của tấm CMND. Quy định mới này đã có rất nhiều ý kiến trái chiều.

 

 
Chạm vào điểm nhạy cảm?
 
Ngay sau khi quy định này được đưa ra bàn thảo, một số chuyên gia pháp lý, giới chức quản lý, nhà xã hội học… đều chung một quan điểm việc công khai danh tính cha, mẹ trên CMND của người được cấp là không khả thi bởi các lý do sau: Thứ nhất, nó “đụng” đến yếu tố tâm lý, tình cảm được cho là nhạy cảm đối với nhiều người trong xã hội. Thứ hai, đối tượng chịu sự tác động của quy định này rất lớn nhưng công tác thăm dò, lấy ý kiến trước khi ban hành quy định này chỉ “gói gọn” trong các thành viên Chính phủ và trong nội bộ ngành Công an. Thứ ba, quy định trên trái với Điều 38 Bộ luật Dân sự về quyền bí mật đời tư và Điều 16 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cho rằng: “Việc ghi tên bố, mẹ trong CMND là chủ trương quản lý xã hội minh bạch. Các cơ quan chức năng đã tính đến sự thuận tiện trong quản lý và có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sẽ có những ý kiến cho rằng đó là  vấn đề nhạy cảm đối với một nhóm xã hội yếu thế như trẻ mồ côi, con ngoài giá thú, con của người phạm tội hình sự…”. Tiến sĩ cũng cho rằng điều đó còn tùy theo quan điểm của mỗi người và bối cảnh xã hội. Xã hội còn sự kỳ thị thì nhóm yếu thế sẽ chịu “thiệt thòi”. Ở các quốc gia tiên tiến, CMND của họ còn có cả nhóm máu (tức là nhiều thông tin hơn). Nhưng họ quản lý theo mã vạch, khi đưa vào máy mới hiện ra. Còn ở ta, do kỹ thuật còn hạn chế nên thông tin phải in công khai.
 
Sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý và cho cả người dân
 
Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) qua trao đổi với báo chí đã khẳng định, CMND mẫu mới có nhiều cải tiến không chỉ thuận tiện trong công tác quản lý đối với các cơ quan Nhà nước trong đó có ngành công an mà còn với cả người dân. Nếu để tên cha, mẹ  trên CMND thì người dân sẽ thuận lợi trong một số giao dịch hàng ngày như giao dịch tại ngân hàng, thừa kế, mua bán… ngoài ra còn xác định chính xác nhân thân của người đó khi cần phân loại, truy xét. Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp, một người cùng một lúc có hai số CMND hoặc có trường hợp nhiều người trùng nhau cả họ, tên và chữ đệm. Nhưng nếu thêm tên cha, mẹ vào thì chắc chắn sẽ không có chuyện nhầm lẫn về nhân thân giữa hai con người. Việc quy định như vậy không chỉ quản lý tốt về mặt con người mà còn phục vụ cho công tác quản lý về trật tự an toàn xã hội - một chức năng quan trọng của ngành công an. 
 
Đồng quan điểm với Thiếu tướng Trần Văn Vệ, luật sư Hà Đăng của Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng: “Mẫu CMND được cấp theo công nghệ mới, chất liệu mới, có in mã vạch hai chiều sẽ giúp việc sử dụng và bảo quản tiện lợi, khó làm giả hơn. Việc ghi tên cha, mẹ, ở một góc độ nào đó sẽ tạo thuận lợi cho người dân. Hiện nay, khi thực hiện một số công việc rất nhiều cơ quan yêu cầu người dân xuất trình Giấy khai sinh để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con, anh, chị em ruột. Ví dụ, trong khai nhận di sản thừa kế, nếu không có giấy khai sinh sẽ không xác nhận được quan hệ huyết thống để hưởng thừa kế. Như vậy, việc CMND ghi thông tin về tên cha, mẹ sẽ là một trong những giấy tờ có thể thay thế cho Giấy khai sinh sử dụng trong trường hợp cần thiết”.
 
Thượng tá Cao Xuân Lượng - Phó trưởng Phòng Hộ khẩu và CMND, Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính và trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết công nghệ làm CMND mới cũng cho phép công tác kiểm tra thông tin của một người nào đó hay đối chiếu CMND thật - giả, không phải đối chiều bằng mắt thường, mất thời gian và khó khăn do thay đổi khuôn mặt, kiểu tóc... Việc ghi tên, cha mẹ trên CMND là để thuận lợi cho nhân dân khi thực hiện các giao dịch mà những giao dịch đó cần phải kiểm tra ngay thông tin về cha, mẹ của người đó tại thời điểm thực hiện giao dịch và phải nhìn thấy được bằng mắt thường. Vì trên thực tế, không phải cơ quan nào cũng có máy đọc thẻ để truy xuất thông tin từ mã vạch 2 chiều như của ngành công an. Tóm lại, việc đề tên cha, mẹ là để phục vụ nhân dân; còn việc mã hóa là để phục công tác tra cứu trong hoạt động nghiệp vụ ở mức độ cao hơn của ngành công an, qua đó có thể khẳng định, CMND mà người đó đang mang là thật hay giả, công tác điều tra xác minh trong các vụ án vì thế cũng  nhanh hơn.
 
Những trường hợp đặc biệt 
 
Trước các ý kiến phản hồi khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian vừa qua, Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho rằng, tuy Thông tư này quy định như vậy, nhưng đối với một số trường đặc biệt, “nhạy cảm” như: Người đó không có hoặc không rõ tên cha, mẹ như con ngoài giá thú, con sinh ra theo phương pháp thụ tinh nhân tạo hay con nuôi… thì không bắt buộc phải khai tên cha, mẹ. 
 
Thực tế cho thấy việc cấp CMND kiểu mới hoàn toàn để phục vụ người dân tốt hơn. Thông tin trên CMND nhiều hơn có nghĩa là lực lượng cảnh sát làm công tác quản lý hành chính sẽ vất vả hơn. Nhưng sẽ thuận lợi là khi cần trích xuất nhanh một số thông tin về một cá nhân nào đó, không cần vào máy kiểm tra vẫn biết thân nhân của người đó. Thực tế, có rất nhiều người trùng họ, tên gây mất thời gian cho công tác truy tìm, phân loại đối tượng khi cần thiết. Mỗi người chỉ khác nhau dấu vân tay và tên bố mẹ và đó được coi là điểm khác biệt nổi bật để phân biệt nhanh người này với người kia. 
 
Dự án này kỳ vọng sẽ khắc phục được việc một người sở hữu nhiều CMND khác nhau. Mỗi công dân khi được cấp CMND mới sẽ chỉ có một mã số chứng minh, một mã vạch và đi theo công dân đó đến suốt đời. 12 chữ số tự nhiên trên CMND do Bộ Công an cấp, quản lý thống nhất trên toàn quốc; trường hợp đổi, cấp lại thì vẫn giữ nguyên số ghi trên CMND đã cấp lần đầu. Một người khi di chuyển từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác sẽ vẫn giữ một số CMND, không có chuyện đổi số như hiện nay. Khi một người thay đổi địa chỉ thường trú thì chỉ cần cập nhật trong dữ liệu. Cũng theo ngành công an thì mã số này đồng thời là số của thẻ công dân điện tử về sau.
 
CMND có ghi tên cha mẹ tựa như một bản lý lịch tóm tắt nhất để người dân có thể sử dụng thuận tiện hơn trong các giao dịch hàng ngày, tránh việc phải trình giấy khai sinh, sổ hộ khẩu trong các trường hợp cần thiết.  Đồng thời việc cấp CMND mới cũng cũng thuận tiện hơn trong việc quản lý đối với các cơ quan Nhà nước. Hơn nữa, việc quản lý con người bằng mã vạch là xu thế hiện đại, cần hướng tới.
 
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nghiên cứu những nội dung trong Thông tư 27/2012 của Bộ Công an về việc cấp giấy CMND theo mẫu mới. Hiện lãnh đạo Bộ Tư pháp đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề này. Dự kiến, từ ngày 1-8, cơ quan công an sẽ thí điểm cấp, đổi CMND mẫu mới ở các quận Tây Hồ, Hoàng Mai và Từ Liêm (Hà Nội), sau đó nhân rộng ra cả nước. Tuy nhiên do vẫn đang trong quá trình nghiên cứu nên vẫn chưa thể thực hiện việc thí điểm cấp, đổi CMND mới. Hiện người dân vẫn có thể sử dụng CMND cũ. Dự kiến, đến năm 2016, việc cấp CMND theo công nghệ mới sẽ được triển khai trên toàn quốc… Khi dự án được triển khai đến khu vực nào, người làm thủ tục cấp CMND lần đầu sẽ được làm theo mẫu mới.
 
 
Theo ANTĐ
.