Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Quốc hội Lào đã tổ chức Hội thảo về "Quản lý nợ công" để tìm ra nguyên nhân và giải pháp quản lý nợ công hiệu quả

 


“Đối với Việt Nam, tình hình nợ công hiện nay là vấn đề hệ trọng và đang được kiểm soát chặt chẽ. Có nhiều cách tính và con số khác nhau về nợ công nhưng đều kết luận là nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh, tiệm cận giới hạn theo quy định của Luật Quản lý nợ công và xếp hàng cao trong các nước khu vực. Qua các cuộc trao đổi, làm việc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức tài chính quốc gia và quốc tế đã đưa ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc quản lý nợ công”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ thêm.

Tại hội thảo các chuyên gia kinh tế của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam sẽ trình bày về diễn biến và cơ cấu nợ công; những hạn chế, bất cập trong quản lý và sử dụng nợ công và tác động của nợ công đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.  

Để giải quyết hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế, chính phủ các nước cần có chiến lược kiểm soát đầu tư trong khu vực công, giảm thâm hụt ngân sách, kiểm soát được nợ vay nước ngoài, nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Các nhân tố như tốc độ tăng GDP, lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối của quốc gia cần được kiểm soát tốt. Việc quản lý hiệu quả nợ công cần có sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan dưới sự điều hành chung của Chính phủ và sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội các nước. Việt Nam hy vọng các bạn Lào sẽ chia sẻ từ những kinh nghiệm đó và cũng mong nhận được những thông tin và ý kiến quý báu về tình hình và công tác quản lý nợ công của Lào.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, tại Hội thảo này, các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý kinh tế của Chính phủ và các chuyên gia của Việt Nam và Lào sẽ trao đổi và làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến khái niệm, phân loại, đánh giá nợ công; phương thức và biện pháp quản lý nợ công, đặc biệt làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc phân bổ ngân sách; lập pháp và giám sát thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước./.
 

Theo VOV

.