Chiều ngày 15/6, trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Ninh Thuận, nhân Lễ hội Nho- Vang 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), một trong số ít làng nghề cổ xưa nhất Đông Nam Á còn hiện hữu.
|
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chiêm ngưỡng sản phẩm gốm Bàu Trúc. Ảnh: NP-TT. |
Trực tiếp đến thăm các hộ gia đình làm gốm, Chủ tịch nước đã chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm của làng nghề truyền thống, xem các nghệ nhân trình diễn công việc nặn gốm, chế tác gốm, một quá trình hoàn toàn thủ công với kỹ thuật truyền thống độc đáo cơ bản được lưu giữ và tuân thủ như hàng trăm năm trước, trong đó người nghệ nhân không dùng bàn xoay, tạo hình sản phẩm bằng cách chạy giật lùi quanh bệ nặn.
Sản phẩm sau khi tạo hình được chất đống ‘nướng’ ngoài trời bằng rơm, củi trong khoảng 6-8 giờ ở nhiệt độ khoảng 500 độ C - 600 độ C.
|
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà cho làng gốm Bàu Trúc. Ảnh: NP-TT. |
Đáng lưu ý, gốm không tráng men, mà tạo màu qua kỹ thuật nung, điều chỉnh nhiệt độ, khói, tạo nên sản phẩm gốm thô mộc mang màu xám đỏ chủ đạo.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diễn ra trong không khí tưng bừng khi tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ hội Nho- Vang năm 2023, hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá những sản phẩm và đặc sản đặc trưng của địa phương.
Đặc biệt, bà con đồng bào Chăm tỏ rõ sự vui mừng, phấn khởi đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.
Làng gốm Bàu Trúc đã có tuổi nhiều trăm năm, nơi thông qua hoạt động sản xuất thực tiễn và liên tục truyền từ nhiều thế hệ, bảo lưu kỹ thuật làm gốm truyền thống độc đáo của đồng bào Chăm bản địa.
Hiện huyện Ninh Phước và tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai Đề án bảo tồn và phát triển làng gốm Bàu Trúc giai đoạn từ nay đến năm 2030, trong đó đẩy mạnh huy động nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ gắn với việc quảng bá sản phẩm và phát triển du lịch theo hướng cộng đồng.