(BVPL) - Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày 22/3/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo nhiệm kỳ Chính phủ 2011-2016. Báo cáo tập trung đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Theo đó, nhiệm kỳ 2011 - 2016, kế thừa những thành quả to lớn và kinh nghiệm quý báu của 25 năm đổi mới, đồng thời cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, đã điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm 2011 - 2015...Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đã đạt được kết quả bước đầu. Ban hành và tích cực chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực.

Tập trung thực hiện đạt những kết quả các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Cùng với thực hiện các khâu đột phá, đã ban hành và tổ chức thực hiện các giải pháp tạo bước tiến mới về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2015 xếp thứ  56/140 quốc gia.

Cũng theo Báo cáo, chính sách pháp luật về quản lý thông tin, báo chí; phát huy vai trò của hệ thống báo chí, xuất bản trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã được chú trọng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu thông tin và phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện quy chế người phát ngôn; chủ động đấu tranh với những thông tin sai trái; xây dựng và triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí; tăng cường an ninh, an toàn thông tin mạng.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo điều hành; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thi hành và xử lý các văn bản, quy định trái pháp luật. Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tích cực triển khai kế hoạch thực hiện và đề xuất 82 dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi hoặc xây dựng mới để thi hành Hiến pháp 2013. Đã trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ và từng năm; ưu tiên hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp mới... Có thể nói, công tác xây dựng pháp luật đã có bước tiến mới, chất lượng ngày càng được nâng cao. Hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện, bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển và bảo vệ đất nước.

Ngoài ra, đã trình thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận của Trung ương Đảng về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin, truyền thông và người dân tham gia tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Theo đó, đã triển khai 39.742 cuộc thanh tra hành chính và trên 834.640 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi 124.125 tỷ đồng, 19.744 ha đất; lập biên bản, ban hành 989.519 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 30.549 tỷ đồng; xử lý khác hơn 60.542 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 6.934 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 313 vụ, 365 đối tượng. Ngành thanh tra đã phát hiện 441 vụ, 696 người có dấu hiệu tham những với số tiền 769 tỷ đồng, 10 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng, 6,3 héc-ta đất; kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng.

Đặc biệt, báo cáo cũng đã có những đánh giá về sự phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chú trọng việc phối hợp công tác với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của Tổ chức chính trị - xã hội và Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Chú trọng phối hợp công tác với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật, giữ vững kỷ cương, pháp luật nhà nước. Mời Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự các phiên họp của Chính phủ bàn về các vấn đề có liên quan. Đã chỉ đạo phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vụ án, xử lý tố giác, tin báo tội phạm. Trong nhiệm kỳ đã có trên 500 văn bản gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và chuyển trên 1.000 đơn thư của tổ chức, cá nhân để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền...
 

Thanh Dịu

.