Là Tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 vào chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến nhiều vấn đề "nóng" của ngành.

 


Đến nay, người dân đã quen với việc giá xăng dầu lên, xuống. Ví quy định về bình ổn giá như chiếc “van” để điều hành xử lý khi giá xăng dầu lên cao hoặc xuống thấp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2013 và 5 tháng đầu năm 2014 “van” này gần như được triệt để sử dụng, năm 2013 có hơn 10 lần tăng giá, năm 2014 có 11, 12 lần nhưng nhờ sử dụng “van” này nên kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Từ quý III năm 2013, ngoài báo cáo Quốc hội định kỳ về tình hình bình ổn quỹ xăng dầu, Bộ đã công khai thường xuyên hàng quý về trách nhiệm quản lý, sử dụng số dư đầu kỳ cuối kỳ của quỹ bình ổn xăng dầu trên trang thông tin điện tử của Bộ.

Năm 2014, Bộ tiếp tục công khai giá cơ sở của xăng dầu. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, có những việc cần đẩy mạnh hơn theo lộ trình điều hành giá thị trường, do đó việc sửa Nghị định 84 là cần thiết.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, Bộ Tài chính tham gia phối hợp sửa Nghị định 84. Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nghe lại Nghị định 84 sửa đổi và Thủ tướng đã có kết luận. Bộ Tài chính sẽ cùng Bộ Công Thương chỉnh lại lần cuối, lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ để sớm ban hành Nghị định 84 sửa đổi, trong đó quan trọng là rút ngắn chu kỳ đánh giá giá cơ sở, càng ngắn càng sát thị trường.

Cũng liên quan đến công tác quản lý mặt hàng xăng dầu, đại biểu bày tỏ quan ngại về những yếu kém trong quản lý tạm nhập tái xuất xăng dầu. Đại biểu cho rằng, thực tế cơ quan quản lý nhà nước đã không kiểm soát được đường đi của xăng dầu, để doanh nghiệp trộn lẫn, không bóc tách được tái xuất với bán nội địa, cho tạm nhập rồi quên kiểm tra tái xuất để doanh nghiệp lũng đoạn thị trường, gây thất thu thuế. Giai đoạn 2009-2012, các doanh nghiệp đã “quên” tái xuất gần 2 triệu tấn xăng dầu.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định “mặt trận” xăng dầu là “mặt trận” nóng bỏng. Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo cơ quan hải quan, thuế phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng này. Nhiều chuyên án đã được xác lập, phát hiện và bắt giữ 3.500 tấn xăng dầu trị giá 70 tỷ đồng, cơ quan công an đã khởi tố 18 vụ 18 bị can.

Để làm tốt hơn công tác này, Bộ đã kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật quản lý thuế, theo đó đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất nói chung và tạm nhập tái xuất xăng dầu nói riêng, phải nộp thuế trước khi làm thủ tục tạm nhập và trường hợp chưa nộp thuế phải có bảo lãnh của ngân hàng.

Làm rõ thêm về cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết một trong những nội dung quan trọng là làm sao cơ chế điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến thị trường hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Thời gian qua, Bộ Công Thương được Chính phủ phân công làm cơ quan đầu mối điều hành giá xăng dầu. Đây là vấn đề liên quan đến toàn dân nên công tác tham mưu phải rất thận trọng, để khi sửa đổi, Nghị định đi vào cuộc sống, khắc phục được những bất cập.

Việc sửa đổi Nghị định sẽ theo hướng tạo thêm cơ chế cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tránh độc quyền, thiết kế mạng lưới phân phối rộng khắp hơn, hướng tới mua đứt bán đoạn đối với doanh nghiệp tư nhân.

Giải đáp lo ngại của đại biểu về tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi khi Bộ Công Thương được trao quyền điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Bộ Công Thương không muốn nhận “vai” này mà muốn đề xuất Chính phủ giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì việc điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ đóng vai trò phối hợp.

Bộ trưởng cũng nêu rõ Bộ Tài chính không phải là cơ quan quyết định giá xăng dầu mà chỉ là tổ trưởng tổ liên ngành về điều hành giá xăng dầu. Nếu Bộ Công Thương không nhất trí, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ quyết định việc điều chỉnh giá. Đây là cơ chế liên ngành, một Bộ không quyết định được. Bộ Công Thương chấp hành sự phân công của Chính phủ, nếu được phân làm đầu mối trong điều hành giá, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính.

Bảo đảm an ninh tài chính quốc gia

Liên quan đến tình hình nợ công, nhiều đại biểu băn khoăn về “ngưỡng” an toàn và các giải pháp để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa – Vũng Tàu) nghi hoặc nợ công có thực sự ở ngưỡng an toàn, còn đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị cho biết tổng số nợ mà Chính phủ vay để cho vay lại và bảo lãnh cho doanh nghiệp Nhà nước vay, có khoản vay nào Chính phủ bảo lãnh vay nhưng khi đáo hạn doanh nghiệp không trả được, Chính phủ phải trả nợ thay, hay vay trả nợ.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đồng tình với đánh giá nợ công vẫn ở mức an toàn nhưng lại không khỏi lo lắng về vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư bằng ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ diễn ra khá thường xuyên, dự án đầu tư dở dang, kém hiệu quả, lãng phí vẫn chậm khắc phục.

Đại biểu đặt vấn đề: Tại sao Bộ Tài chính chưa cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn lực đầu tư công cho phát triển theo vùng kinh tế thay vì vùng hành chính địa phương; tại sao chưa xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho dự án đầu tư công?

Trả lời các băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, trong những năm gần đây, nợ công có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, việc đánh giá tính bền vững và an toàn của nợ công phải tính đến các yếu tố về cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Đây là hai yếu tố quan trọng.

Trên cơ sở đánh giá yếu tố này, nợ công Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn thấp hơn các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ phê chuẩn bao gồm: Tỷ lệ nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ Chính phủ trên tổng thu ngân sách hàng năm; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, chỉ tiêu nợ công/GDP thay đổi không nhiều qua các năm: Năm 2010 là 51,7%, năm 2011 là 50,1%, năm 2012 là 50,8%, năm 2013 là 53,4%. Tỷ lệ này nằm trong ngưỡng Quốc hội cho phép là 65%.

Bộ thường xuyên đánh giá danh mục nợ công không chỉ trên phương diện số tuyệt đối mà còn đánh giá tỷ trọng tương đối và các chỉ tiêu đánh giá an toàn khác. Bộ đã báo cáo Thủ tướng cần phải có giải pháp để cơ cấu lại nợ công. Trong quá trình điều hành sẽ chủ động giảm dần bội chi, kiên quyết thu hồi các khoản nợ trước đây; thực hiện các giải pháp tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu, rà soát thực hiện phân kỳ đầu tư; quản lý tốt đồng tiền vay, gắn với nó là các dự án, chương trình cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã tham gia giải trình thêm về tiêu chí đánh giá hiệu quả ngân sách nhà nước đầu tư công đối với các vùng, dự án, chương trình. Bộ trưởng cho biết hiệu quả dự án đầu tư của một số dự án, công trình không chỉ ở mặt kinh tế mà cần đánh giá cả mặt xã hội, có dự án không hiệu quả về kinh tế nhưng có hiệu quả về mặt xã hội thì vẫn phải làm.

Đầu tư cho phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây giảm mạnh, phải cân nhắc tiết kiệm chi tiêu, vay nước ngoài để đầu tư phát triển, đáp ứng những mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng trả lời nhiều nội dung chất vấn của đại biểu về việc chi cho “tam nông”, tiến độ cổ phần hóa , thoái vốn ngoài ngành ở doanh nghiệp nhà nước, xử lý sau thanh tra đối với những vi phạm về tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát chi phí xây dựng nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện và có hướng dẫn cụ thể.

Bộ đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng quy chế sử dụng nhà khách, nhà ở trong khu nhà quản lý vận hành, trong đó quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, định mức bố trí nhà ở đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng. Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, Bộ sẽ tổ chức thực hiện./.
 

Theo TTXVN/Vietnam+

.