(BVPL) - Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng internet đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thông tin nhanh chóng, đa dạng, nắm bắt được các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, tạo sự đồng thuận. Bên cạnh những mặt tích cực thì gần đây nổi lên tình trạng một số trang mạng xã hội có máy chủ ở nước ngoài đã đăng tải, phát tán nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân gây mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, và sâu xa hơn là chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thì: “Đây là tội phạm không gian ảo, vi phạm pháp luật Việt Nam”. Vậy làm thế nào để ngăn chặn loại tội phạm này?


Các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh nhận định, đây là thủ đoạn mới của các đối tượng thù địch. Các đối tượng này đưa ra những thông tin như thật, với những dẫn chứng bằng hình ảnh, số liệu dưới dạng các bài viết nhưng người đọc không thể kiểm chứng, đối chiếu và với phương pháp, thủ đoạn tinh vi, dai dẳng, hy vọng sẽ làm cho quần chúng tin rằng những thông tin đó là sự thật. Sự nguy hiểm của việc chống phá này lớn hơn rất nhiều so với việc dùng vũ khí, đạn dược, bởi nếu không ngăn chặn kịp thời, có thể ăn sâu vào nhận thức của quần chúng nhân dân, từ đó dẫn đến mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước. Các cuộc chống phá này thường rộ lên vào những thời điểm đất nước ta sắp tổ chức các sự kiện trọng đại, như: Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, hay mỗi khi có quy hoạch cán bộ…

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2014 của Chính phủ ngày 29/12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, tội phạm trong năm 2014 đều gia tăng. Lực lượng công an đã triệt phá, làm thất bại nhiều âm mưu kích động bạo lực, hoạt động tình báo của nước ngoài cài cắm trong nội bộ các cơ quan, chính quyền… Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, việc kiểm soát an ninh thông tin hiện nay còn nhiều sơ hở, cần phải siết chặt.

Với chức trách của mình, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, lực lượng công an sẽ tập trung ngăn chặn việc phát tán tài liệu xuyên tạc, không đúng sự thật trên mạng internet nhằm bôi nhọ, đả kích các đồng chí lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ. Đồng thời, đề nghị các cơ quan cùng phối hợp kiểm soát vấn đề truy cập, hoạt động trên mạng internet để đảm bảo an toàn, chống bị tấn công, rò rỉ thông tin trên hệ thống mạng nội bộ của các cơ quan.

Còn tại Hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Văn phòng Chính phủ ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ cần phải phát huy hơn nữa và phải xem chức năng thông tin là một mảng công tác quan trọng; kịp thời cung cấp các quyết định của Chính phủ để toàn dân được biết, tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong xã hội. Thủ tướng cũng lưu ý, hiện nay hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm. Điều quan trọng là phải thông tin cho chính xác, định hướng cho tốt dư luận trên mạng xã hội. “Chúng ta quản lý điều hành mà người dân không biết chủ trương, chính sách thì không được. Vì vậy, thông tin phải chính xác, phải nhanh, phải kịp thời để vừa thống nhất hành động, vừa ngăn chặn những thông tin không đúng đắn”.

Đấu tranh chống lại các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quan trọng hơn đó là để nhân dân hiểu, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là trách nhiệm của toàn xã hội, và của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của mỗi đảng viên. Vì vậy, mỗi đảng viên trước hết cần có bản lĩnh vững vàng, không ngừng phấn đấu, rèn luyện. Điều này thể hiện bằng sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã được đại bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân hết sức quan tâm, đồng tình hưởng ứng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó yếu tố con người là quyết định, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, có hiệu quả cụ thể thì dân mới tin; cán bộ có tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sạch mới có thể thành công được.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chúng ta cần phải làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, kích động gây chia rẽ nội bộ để ngăn chặn kịp thời. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các mạng xã hội, các trang web, blog cá nhân, đồng thời xây dựng và phát triển mạnh mẽ các mạng xã hội trong nước, tạo diễn đàn bày tỏ chính kiến, bình luận, chia sẻ thông tin, hình ảnh cho người dân Việt Nam.

Đặc biệt, báo chí với sức mạnh của mình cần phải đóng vai trò quan trọng, tiên phong. Tại hội nghị báo chí toàn quốc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đã phát biểu: “Đây là nhiệm vụ quan trọng của báo chí, đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo. Chúng ta đánh giá chung rằng báo chí năm qua tích cực tham gia cuộc đấu tranh này”. Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: “Trong khi ta đã quán triệt tinh thần là những thông tin sai sự thật, bịa đặt thì bản thân các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương phải chủ động bác bỏ, không chờ người khác định hướng và bác bỏ giúp”.

Còn theo đồng chí Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư: Việc đẩy mạnh thông tin đối ngoại, tuyên truyền thành tựu đổi mới của đất nước, giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến thế giới, tăng cường thông tin cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài...là nhằm đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, chiến tranh tâm lý, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tiếp tục xây dựng và củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đối mới của đất nước.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền thì mỗi cơ quan báo chí cũng phải nâng cao ý thức trách nhiệm của các phóng viên, biên tập viên, thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục kiến thức quốc phòng an ninh, ý thức cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch. Khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý báo chí, xuất bản mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để đăng tải, tán phát những luận điệu sai trái.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tạo môi trường thông thoáng, lành mạnh cho hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin. Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí nhằm vạch trần âm mưu, hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, kích động gây chia rẽ nội bộ. Xây dựng các diễn đàn mà ở đó những người có ý kiến trái chiều, những người “bất đồng chính kiến” có thể đưa ra các lập luận, lý lẽ của riêng họ thỏa mãn ý tưởng chính trị.

Điều đáng nói là chính sự tung tin, đồn thổi sai sự thật của những trang mạng xã hội không rõ nguồn gốc lại càng đòi hỏi chúng ta phải luôn thắt chặt tinh thần đoàn kết dân tộc. Và với cư dân mạng, nhất là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, tầng lớp thanh niên, trí thức, thì việc tìm hiểu thông tin qua mạng là cần thiết, song phải có sự chọn lọc, phải luôn tỉnh táo để nhận thức đâu là thông tin đáng tin cậy. Có như vậy, chúng ta mới có thể ổn định để phát triển nền kinh tế, xây dựng đất nước vững mạnh.
                                
(Còn nữa)
 

Hoàng Trâm

.