(BVPL) - Ngày 10/12/2012, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (BCĐCCTPTW) đã tổ chức họp phiên thứ 8 để thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng BCĐCCTPTW chủ trì phiên họp. Tham dự Phiên họp có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các thành viên BCĐCCTPTW. Về phía VKSNDTC, tham dự Phiên họp có đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp.


Theo đánh giá của BCĐCCTPTW, việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực có tính chất ưu việt hơn hẳn mô hình TAND cấp huyện hiện nay. Cụ thể là việc tổ chức này sẽ góp phần nâng cao vị trí, vai trò của TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, bảo đảm điều kiện để thực hiện đầy đủ hơn nguyên tắc độc lập, khách quan và tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp, góp phần làm cho TAND thực hiện có hiệu quả quyền lực tư pháp. Việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực sẽ góp phần thu gọn đầu mối các cơ quan TAND, VKSND, tạo điều kiện để Nhà nước tập trung nguồn lực về tài chính để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị và phương tiện làm việc cho các cơ quan này; có điều kiện để hiện đại hóa hệ thống tư pháp, bảo đảm việc đầu tư có hiệu quả, tiết kiệm ngân sách, khắc phục được tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải. Mặt khác, việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực nhằm tập trung nguồn lực con người, có điều kiện để tổ chức lại nhiệm vụ theo hướng chuyên môn hóa từng lĩnh vực, cải thiện thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức tư pháp, giúp cho người dân dễ tiếp cận với cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp gần dân hơn. Bảo đảm Đảng lãnh đạo đúng nguyên tắc, phát huy được hiệu quả lãnh đạo trong thực tiễn, khắc phục tình trạng e dè, nể nang của thẩm phán trong hoạt động tư pháp, nhất là trong việc xét xử, giải quyết các vụ án hành chính. Đồng thời, việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực cũng không làm mất đi vai trò giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp ở cấp sơ thẩm, cơ chế giám sát sẽ được sửa đổi theo hướng tập trung đầu mối giám sát, chuyên môn hóa hoạt động giám sát cao hơn…

Theo dự thảo Báo cáo thì đến nay tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã triển khai xong việc xây dựng phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực tại địa phương. Cả nước hiện nay có 695 TAND, 695 VKSND cấp huyện, theo phương án của các địa phương, dự kiến sẽ tổ chức 427 TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực, giảm 268 đơn vị TAND và 268 đơn vị VKSND (chiếm 38,5%). Bên cạnh đó, dự thảo Báo cáo cũng đã nêu lên những hạn chế của việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực; những thuận lợi, khó khăn và phương hướng khắc phục khó khăn khi tổ chức thực hiện, đồng thời nêu lên kiến nghị đối với Bộ Chính trị, Đảng Đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng TANDTC, VKSNDTC và cấp ủy địa phương.   

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo trình Bộ Chính trị của BCĐCCTPTW về việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực. Theo đó, các đại biểu cơ bản đồng thuận, nhất trí cao với các nội dung của dự thảo Báo cáo, bên cạnh đó cũng đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ thêm một số nội dung như: sự lãnh đạo của Đảng; về vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân; việc phối hợp giữa VKSND với các cơ quan tư pháp ở địa phương; về việc sắp xếp, bố trí cán bộ; về trụ sở, chế độ và phương tiện làm việc...

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, vấn đề trước mắt là cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chủ trương tổ chức TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực nhằm góp phần đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của chiến lược cải cách tư pháp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là dự thảo Báo cáo cần giải quyết thấu đáo các vấn đề mà Bộ Chính trị quan tâm, vì vậy Thường trực Ban Chỉ đạo cần tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo sớm trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
 

Văn Tình

.