(BVPL) - Vấn đề bức cung, nhục hình làm “nóng” phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Bên cạnh đó, các  Đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận việc cho ý kiến sửa đổi các Bộ luật  hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam sẽ là những giải pháp hữu hiệu để sớm chấm dứt việc bức cung, dùng nhục hình.
 


ĐB Phạm Trường Dân (Đoàn Quảng Nam) cũng khẳng định rằng bức cung, dùng nhục hình tất yếu phải dẫn đến việc oan sai: “Các vụ bức cung, dùng nhục hình tuy xảy ra rất ít, có thể mang tính cá biệt trong quá trình điều tra, nhưng quan điểm của tôi dù có ít nhưng vẫn cần phải đặc biệt quan tâm, xử lý nghiêm khắc và có biện pháp chấm dứt kịp thời, vì nó để lại hậu quả không tốt ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân bị bức cung, dùng nhục hình làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan tư pháp, niềm tin vào công lý”.

Sửa đổi ngay Bộ luật tố tụng hình sự và pháp luật về điều tra, giam giữ

ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. HCM)  đề nghị cần kết hợp giải pháp lâu dài và giải pháp cấp thiết, trước hết là sửa đổi ngay Bộ luật tố tụng hình sự và pháp luật về điều tra, giam giữ theo tinh thần cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013. “Tôi cho rằng dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự đang được cho ý kiến thể hiện được các thành tựu cải cách tư pháp theo các nghị quyết của Đảng từ 10 năm qua, nhất là cụ thể hóa được các điểm đổi mới về quyền con người và quyền tư pháp trong Hiến pháp năm 2013. Có ý kiến cho rằng oan sai là do con người, còn luật pháp đã ổn nên không cần sửa nhiều. Tôi không đồng tình với ý kiến này, bởi vì Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) không chỉ nhằm giải quyết những oan sai vừa qua mà còn là thực hiện đổi mới mô hình tố tụng và nâng cao một bước thể chế tố tụng hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo này đã thực hiện được một cách nghiêm túc, đầy trách nhiệm trên tinh thần tích cực phòng, chống tội phạm, không bỏ lọt, không làm oan, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, góp phần làm cho xã hội an toàn và ổn định hơn, gia tăng niềm tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp của chúng ta. Luật pháp càng cụ thể, chặt chẽ, hợp lý, sát thực tiễn thì càng hạn chế sai phạm. Việc đổi mới và nâng cao pháp luật tố tụng hình sự, nhất là cụ thể hóa nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo các quyền của con người theo Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời gian hội nhập.

Cùng với việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, cần thiết ban hành văn bản luật tạm giam, tạm giữ, về cải cách các cơ quan điều tra theo tinh thần Hiến pháp 2013. Khắc phục ngay việc bồi thường chậm trễ bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành. Thiết kế hệ thống tự kiểm tra và kiểm tra chéo, nghiêm trị vi phạm. Phải có giải pháp căn cơ, đào tạo lại Điều tra viên, có sự đãi ngộ thỏa đáng để những người làm công tác điều tra tự hào họ là những khắc tinh của tội phạm”.
 

Ngọc Đức

.