Sau khi dư luận lên tiếng về vụ việc nghiêm trọng này, Bộ Y tế có Văn bản 183 ngày 15/1/2014 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Văn bản do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký thêm một lần nữa đùn trách nhiệm sang cho cơ quan khác và né trách nhiệm của mình.
Đối tượng buôn lậu khai nhận tại Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), bằng thủ đoạn tinh vi đã thực hiện trót lọt 14 thương vụ. Điều nguy hiểm là số thiết bị quá đát đã “lọt cửa” nhiều khả năng đã được đấu giá rồi tuồn vào các bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam để sử dụng...
Tuy nhiên cho tới nay, cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép là Bộ Y tế vẫn chưa chịu nhận trách nhiệm.
Trách nhiệm của ai?
Theo lời khai của các đối tượng buôn lậu, máy mới thật trị giá gần 1 tỷ đồng nhưng máy tút lại vừa bị bắt giữ thì trị giá chỉ hơn 100 triệu đồng. Nếu số máy này chui được vào các cơ sở y tế công thì phải qua đấu thầu với “vỏ bọc” là máy mới 100%, lúc đó thiệt hại Nhà nước phải gánh chịu. Còn khi được đưa vào sử dụng thì chính những người bệnh lại phải trả tiếp những khoản phí cho chiếc máy trị giá tiền tỷ trong khi thực tế nó là máy cũ nát.
Theo Nghị định 59 ngày 12/6/2006 của Chính phủ, trang thiết bị y tế (TTBYT) là loại hàng hóa thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện nhưng không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Vì thế bất cứ doanh nghiệp nào nếu muốn nhập loại hàng hóa này về Việt Nam thì bắt buộc phải qua “cửa” Bộ Y tế. Cục Điều tra chống buôn lậu cũng xác nhận, đối với những lô hàng kiểu này sẽ được xếp vào luồng xanh và việc thông quan rất dễ dàng vì không phải kiểm tra.
Như vậy có thể thấy, còn rất nhiều kẽ hở các đối tượng buôn lậu có thể lợi dụng để trục lợi nếu như những cơ quan quản lý nhà nước vì lý do nào đó, vô tình hoặc cố ý, buông lỏng quản lý. Có lẽ vì có kẽ hở mà khi đề cập đến vấn đề trách nhiệm của cơ quan cấp phép, ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) liền né tránh: “Giấy phép mà Bộ Y tế cấp là thể hiện máy mới 100%, sản xuất năm 2012 là chúng tôi căn cứ trên giấy tờ, hồ sơ mà doanh nghiệp gửi tới, thẩm định là trên giấy tờ, còn những giấy tờ đó có giả mạo hay không lại là việc khác.
Khi doanh nghiệp mở tờ khai hải quan có khác so với giấy phép thì bên mình cũng chịu vì mình không có chức năng phát hiện việc đó. Chúng tôi không chịu trách nhiệm việc đó được. Chúng tôi cấp phép là nhập mới chứ chúng tôi có làm sai đâu. Bộ Y tế cấp giấy phép mới 100%, còn doanh nghiệp có trách nhiệm làm theo đúng giấy phép đã cấp đó, hải quan thì có trách nhiệm kiểm tra xem là làm có đúng không. Còn nếu có gian dối hay không, đấy là lỗi của doanh nghiệp”.
Báo cáo gì với Thủ tướng?
Sau khi dư luận lên tiếng về vụ việc nghiêm trọng này, Bộ Y tế có Văn bản 183 ngày 15/1/2014 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Văn bản do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký thêm một lần nữa đùn trách nhiệm sang cho cơ quan khác và né trách nhiệm của mình.
Theo Bộ Y tế, sau khi nhận được thông tin về vụ việc, cơ quan này đã cho rà soát lại hồ sơ liên quan đến việc cấp phép nhập khẩu TTBYT cho Cty TNHH kỹ thuật thiết bị y tế Bảo Trân và Cty TNHH Thương mại và Kinh doanh thiết bị y tế A.N.N.A. Qua kiểm tra, căn cứ hồ sơ lưu tại Bộ Y tế, bước đầu có thể thấy quy trình, thủ tục cấp phép nhập khẩu cho hai công ty trên đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật với nội dung giấy phép nhập khẩu TTBYT cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu là thiết bị mới 100%, sản xuất năm 2012 theo hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp(?).
“Như việc hai công ty nêu trên mở tờ khai hải quan xin nhập khẩu thiết bị mới 100% nhưng thực tế lại nhập thiết bị đã qua sử dụng là hành vi gian lận thương mại với thủ đoạn tinh vi và có tính chất nghiêm trọng do sẽ ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh việc rà soát hồ sơ quản lý TTBYT, Bộ Y tế cũng đã khẩn trương làm việc với Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cũng như các cơ quan thông tin đại chúng để giải trình làm rõ, đồng thời cung cấp các thông tin để tránh sự hiểu lầm không đúng về nội dung cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng khác nhau có thẩm quyền liên quan đến công tác quản lý xuất, nhập khẩu TTBYT, không để cơ quan ngôn luận và độc giả hiểu lầm về việc có đường dây cấp phép cho hàng đã qua sử dụng cũng như chỉ có trách nhiệm của Bộ Y tế”- Văn bản do Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ nêu.
Tuy nhiên, trong một văn bản phát đi trước đó 2 ngày tới UBND các tỉnh, thành, Bộ Y tế lại vô tình thừa nhận có kẽ hở đang tồn tại trong quá trình thẩm định cấp phép cho nhập khẩu các TTBYT về Việt Nam. Bộ này khẳng định, các doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu, ngoài các tài liệu theo quy định trong Thông tư 24 ngày 21/6/2011 của Bộ Y tế thì chỉ cần cam kết đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện về đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cơ sở vật chất “mà không cần nộp các tài liệu chứng minh rõ các điều kiện này”.
Với cung cách thẩm định như vậy thì việc doanh nghiệp nhập máy cũ đội lốt máy mới nhằm thu lợi bất chính để lại hậu quả khôn lường là chuyện đương nhiên. Thừa nhận kẽ hở đó còn cho thấy Hội đồng thẩm định, hay cơ quan giúp việc chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định cấp phép cho nhập khẩu TTBYT về Việt Nam dường như cũng chỉ mang tính hình thức.
Theo PLO