Sự thay đổi nhiều nhất tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV có thể là ở khối cơ quan Quốc hội với ít nhất 3 vị trí cần nhân sự mới. Khối cơ quan Chính phủ nhiều khả năng chỉ có 1 vị trí cần bầu nhân sự mới...
|
3 lãnh đạo cao nhất của nhà nước tiếp tục được giới thiệu để Quốc hội bầu cho khoá mới. |
Hoán đổi trong bộ máy Quốc hội
Tại Hội nghị Trung ương 3 khoá 12 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất tiếp tục giới thiệu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm để Quốc hội khoá XIV bầu vào vào các chức danh này thêm một nhiệm kỳ nữa. Như vậy, mỗi chức danh lãnh đạo cao nhất các cơ quan Nhà nước có duy nhất một nhân sự được giới thiệu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa được Quốc hội bầu đảm nhận chức vụ tại kỳ họp cuối cùng của khoá XIII hồi tháng 4 năm nay, khi quy trình kiện toàn sớm nhân sự sau Đại hội Đảng 12 được thực hiện.
Cùng với 3 chức danh lãnh đạo cao nhất các cơ quan nhà nước này, các nhân sự khác được Quốc hội khoá XIII bầu, phê chuẩn khi đó đã trải qua 3 tháng “thử thách”, kiểm chứng tín nhiệm. Tất cả các chức danh theo yêu cầu cần phải là đại biểu Quốc hội để có thể tiếp tục đảm nhận chức vụ trong khoá mới cũng như những nhân sự được giới thiệu ứng cử đều đã trúng cử.
Cụ thể, tại khối cơ quan Quốc hội, ngoài Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các UB của Quốc hội khoá XIII tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV gồm:
Các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm UB Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm UB KHCN,TN&MT Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Nhìn qua danh sách này, có thể thấy những vị trí sẽ phải chọn bầu nhân sự mới thay thế tại kỳ họp đầu tiên của khoá mới, như Chủ nhiệm UB Đối ngoại, Chủ nhiệm UB Pháp luật, Trưởng ban Dân nguyện do các ông Trần Văn Hằng, Phan Trung Lý, Nguyễn Đức Hiền nghỉ hưu khi kết thúc khoá XIII.
Đối chiếu với danh sách những người thuộc các cơ quan khác được chuyển giới thiệu ứng cử và đã trúng cử đại biểu Quốc hội vừa qua thuộc khối Quốc hội cũng phần nào xác định được ứng viên thay thế (Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định; Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Nguyễn Đức Hải; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Thị Thủy). Dù vậy, được biết, tại Hội nghị Trung ương 3 vừa qua, Trung ương cũng thống nhất với phương án giới thiệu nhân sự cho các chức danh có sự xáo đổi đôi chút vị trí trong khối cơ quan này, cũng như thống nhất bổ sung một uỷ viên cho UB Kiểm tra Trung ương Đảng.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có tư lệnh mới
Với khối cơ quan Chủ tịch nước và cơ quan tư pháp, nhiều khả năng không có sự thay đổi so với lần kiện toàn nhân sự 3 tháng trước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đều mới vừa được bầu và cũng đã đều trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV để có thể tiếp tục đảm nhiệm nhiệm kỳ công tác mới.
Với khối cơ quan Chính phủ, sau khi thay đổi gần như toàn diện vừa qua với 22/27 vị trí được làm mới, chỉ còn rất ít các thành viên vẫn tại vị trong lần kiện toàn hồi tháng 4 năm nay.
Nhiều khả năng, các thành viên Chính phủ mới sẽ tiếp tục được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội kỳ này vì Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất giới thiệu các nhân sự này vào từng chức vụ cụ thể như hiện tại từ sau Đại hội Đảng 12. Đó đều là các uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Trung ương Đảng khoá 12.
|
Các thành viên hiện tại của Chính phủ (Ảnh: Việt Hưng) |
Cụ thể, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, các Bộ trưởng/Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng – Chủ nhiệm UB Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Các thành viên Chính phủ vẫn tại vị trong lần kiện toàn vừa qua là Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Trong số các nhân sự này, chỉ có Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ thêm một khoá nữa do ông đã có 2 nhiệm kỳ liên tiếp làm tư lệnh ngành này. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đã chuẩn bị được một nhân sự “tại chỗ” để kế nhiệm ông Phát là Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường – uỷ viên Trung ương Đảng khoá 12.
Các vị trí khác được cho là sẽ tiếp tục cương vị công tác như đang đảm nhiệm. Trong số đó, chỉ có Bộ trưởng Y tế không tham gia Trung ương khoá này nhưng được biết, ngành Y tế cũng không có đại diện nào khác trong Ban Chấp hành Trung ương nên nhiều khả năng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn được giới thiệu để Thủ tướng lựa chọn và trình Quốc hội phê chuẩn làm tư lệnh ngành trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.
Theo Dân trí