leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì Hội nghị. 

Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cán bộ chủ chốt của lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. 

Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh, công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Năm 1998, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết về Chiến lược an ninh quốc gia, lần đầu tiên Đảng ta hệ thống nhận diện những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và đề ra các chủ trương, giải pháp cơ bản chỉ đạo về bảo vệ an ninh quốc gia. 

Qua tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược an ninh quốc gia cho thấy, dưới sự lãnh đạo thường xuyên, sát sao của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, an ninh quốc gia được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, giữ vững độc lập, tự chủ, đảm bảo toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ của đất nước. Ổn định chính trị và môi trường an ninh, an toàn đã trở thành một trong những lợi thế, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, tạo lập vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Sau hơn 30 năm đổi mới đất nước, trong bối cảnh tình hình mới, an ninh quốc gia đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới rất phức tạp, đòi hỏi phải có chiến lược mới với tầm nhìn mới, hệ thống giải pháp mới để giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống. Trước tình hình đó, Đảng ủy Công an Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 51 về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, trong an ninh quốc gia, an ninh kinh tế được xác định là nền tảng, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Để tăng cường bảo đảm an ninh kinh tế, Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Chỉ thị số 12 ngày 5/1/2017 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế". 

Qua 3 năm triển khai thực hiện chủ trương đặc biệt quan trọng của Đảng về bảo vệ an ninh kinh tế, nhiều vấn đề cần được đánh giá, sơ kết để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Đảng ủy Công an Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các Ban Đảng, Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và Tỉnh ủy, Thành ủy tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị...

Tại Hội nghị, đại biểu các bộ, ban, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ những việc đã làm được, chưa làm được, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12; nêu lên những chủ trương giải pháp sát với thực tiễn chỉ đạo công tác ở từng bộ, ngành, địa phương để thực hiện có hiệu quả chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong thời gian tới...

Chủ động ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Kết luận Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc những nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 51-NQ/TW trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, cần làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ tình hình, mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo và nêu cao trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh kinh tế; Cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 51-NQ/TW, Chỉ thị số 12-CT/TW thành các chương trình, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề phù hợp với đặc điểm, tình hình cơ quan, đơn vị, địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Các cấp chủ động xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác bảo đảm an ninh quốc gia, chủ động ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống... 

Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh kinh tế; chịu trách nhiệm chính và trước hết xử lý vấn đề an ninh ở lĩnh vực, địa phương mình. Các cấp triển khai đồng bộ, quyết liệt các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu và các loại tội phạm.

Thường trực Ban Bí thư lưu ý, việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, cả hệ thống chính trị trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh kinh tế...; xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh kinh tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Về công tác Công an, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, tập trung xây dựng lực lượng Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, phấn đấu xây dựng lực lượng Công an nhân dân chuyên nghiệp, hiện đại, thực sự trong sạch, liêm chính, bố trí hợp lý trên các địa bàn...

Theo TTXVN