Với tổng lượng mưa dự báo lên tới 300 mm trút xuống trong 2 ngày 3-4/8, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng đồng bằng sông Hồng sẽ ngập đồng, ngập lúa. Khả năng lũ quét, sạt lở đất là rất lớn.
 
Chiều 1/8, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương Bùi Minh Tăng cho hay, bão Jebi hiện đã nằm trên quần đảo Hoàng Sa với sức gió cấp 9 (gần 90 km mỗi giờ). Chiều và đêm nay, bão có xu hướng tăng tốc và mạnh thêm. Đến 13h ngày 2/8, tâm bão tiếp cận đảo Hải Nam (Trung Quốc), mạnh cấp 10. Đêm cùng ngày, bão vượt qua đảo Hải Nam, tiến vào vịnh Bắc Bộ.
 
Theo ông Tăng, ven biển Đông Bắc Bộ bắt đầu có gió lớn cấp 6 vào sáng 3/8. Với tốc độ di chuyển tăng lên 20 km mỗi giờ, cơn bão có thể cập bờ vào trưa 3/8, hoặc muộn hơn vào lúc 18-19h cùng ngày. Khu vực bão đổ bộ dự kiến trải từ Quảng Ninh tới Thái Bình.
 
Bão Jebi được dự báo gây lượng mưa lớn cho Bắc Bộ. Ảnh: NCHMF.
Bão Jebi được dự báo gây lượng mưa lớn cho Bắc Bộ. Ảnh: NCHMF.
 
Giám đốc cơ quan khí tượng nhận định, cơn bão sẽ mang tới lượng mưa lớn, dồn dập cho toàn bộ Bắc Bộ và Thanh Hóa. Lượng mưa 100-300 mm (có nơi lên tới 400 mm) trút xuống chỉ trong 2 ngày 3-4/8. "Trọng tâm mưa ở phía bắc tâm bão, tức là khu đông bắc, trung du và miền núi phía Bắc", ông Tăng cho hay.
 
Ngoài ra, cơ quan khí tượng cũng lưu ý khả năng bão đổ độ vào lúc triều cường (14-15h ngày 3/8) nên các đảo, huyện đảo như Vân Đồn, Bạch Long Vĩ cần chuẩn bị để ứng phó với nước dâng, song biển cao. "Với diễn biến của bão, mọi công tác chuẩn bị ứng phó phải xong trước 7h sáng 3/8", Giám đốc Trung tâm khí tượng đề nghị.
 
Chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát cho rằng, công tác chuẩn bị phải nâng lên mức khẩn cấp từ chiều 1/8. Ông yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đặc biệt lưu ý tới mưa lớn do bão. Ngoài việc lũ quét, sạt lở, khi mưa tới 300 mm thì toàn bộ đồng bằng sông Hồng nước sẽ ngập đồng, ngập lúa. Vì thế, địa phương cần lưu ý chuyện tích nước của các hồ, đập cũng như việc tiêu nước ở cánh đồng.
 
Đối với vùng ven biển, ông Phát yêu cầu các địa phương sớm kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú và di chuyển ngư dân lên bờ bởi khi gió giật cấp 11-12 thì rất nguy hiểm tính mạng.
 
Trước thông tin do Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn nêu về 8 tàu của Quảng Ngãi còn hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, chưa cập được bờ, ông Phát yêu cầu khẩn cấp có biện pháp ứng cứu bởi những tàu này đang trong tình huống nguy hiểm.
 
Cũng theo Bộ trưởng Nông nghiệp, trong sáng 2/8, hai đoàn công tác của Ban chỉ đạo sẽ xuống các địa phương kiểm tra đôn đốc công tác ứng phó.
 
Theo Nguyễn Hưng
VnExpress.net