(BVPL) - Đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã trao đổi với PV bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 sáng 23/10.

 


Ông Ngô Văn Minh: Khá nhiều bức xúc! Thứ nhất, nếu thiết kế dự thảo Luật BHXH như đang đặt lên bàn các đại biểu thì Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) là cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm (Điều 93). Quy định là vậy, tuy nhiên ngay trong một số điều sau lại mâu thuẫn với Điều 93.

Cụ thể: Theo quy định đã là cơ quan quản lý Nhà nước thì không được phép đầu tư quỹ sinh lời. Trong khi, dự án Luật đưa BHXHVN hiện đang là cơ quan thuộc dạng đơn vị sự nghiệp công lập lên thành cơ quan quản lý nhà nước lại được quyền đầu tư quỹ sinh lời (số tiền 3% từ quỹ bảo hiểm do người lao động đóng cơ quan này được phép đầu tư sinh lời- PV), mà lẽ ra chỉ có hệ thống tài chính, ngân hàng, tín dụng mới được phép.

Thứ hai, khi đã chấp nhận BHXHVN thành cơ quan quản lý nhà nước có chức năng thanh tra DN trong lĩnh vực BHXH, để đúng luật, phải chuyển tất cả chuyên viên, nhân viên của cơ quan này lên thành công chức nhà nước (hiện các chuyên viên, nhân viên của BHXH vẫn hoạt động, chi phối theo Luật Viên chức nhà nước). Chỉ có công chức nhà nước mới có chức năng thanh tra.

Thứ ba, hiện lĩnh vực thanh tra BHXH đang thuộc chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, liệu khi giao chức năng này cho ngành BHXH thì có khắc phục được việc trốn BHXH đang diễn ra kinh niên hay không? Thực tế, nợ BHXH đã lên tới con số 12 ngàn tỷ đồng. Lãnh đạo ngành BHXH có Giám đứng trước Quốc hội hứa sẽ không để xảy ra tình trạng nợ, trốn, ăn quỵt BHXH đối với người lao động khi QH trao cái “gậy” thanh tra chứ chưa nói đòi lại 12 ngàn tỷ đồng nợ? Cạnh đó, nếu chấp nhận giao công tác thanh tra cho ngành BHXH thì tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội phải có trách nhiệm giải trình trước QH về công tác quản lý nhà nước của mình.

PV: Nợ BHXH tràn lan khiến người lao động bị thiệt đơn, thiệt kép vẫn chưa thể truy trách nhiệm cho cơ quan nào. Trong khi, ngành BHXH, LĐ- TB- XH mỗi lần đề cập câu chuyện lương lại lo vỡ quỹ! Theo ông, giải quyết mâu thuẫn này ra sao?

Ông Ngô Văn Minh: Nợ bảo hiểm xã hội hiện lên tới 12 ngàn tỷ đồng, trong khi vẫn có 5 triệu người chưa được tham gia bảo hiểm. Để tránh vỡ quỹ, dự thảo Luật quy định kéo dài năm công tác để hưởng lương hưu. Ví dụ, theo quy định hiện hành, người lao động tối thiểu đạt 15 năm công tác sẽ được hưởng mức lương bằng 45%; thế nhưng dự thảo Luật lại đang nâng lên tận năm 2016, 2018 gì đó phải đủ 18- 20 năm công tác liên tục mới được hưởng 45%  như hiện nay; đã thế mức lương ngày một thấp là điều bất hợp lý.

PV: Dự thảo Luật quy định sẽ hỗ trợ những đối tượng đóng BHXH tự nguyện như mức hỗ trợ người nghèo?

Ông Ngô Văn Minh: Phải cân đối ngân sách kỹ để tính toán điều này. Ví như ở hệ thống xã đang có đến 230 ngàn người không thuộc diện viên chức hay công chức mà là hợp đồng. Nếu hỗ trợ ngân sách tương lương mức lương tối thiểu để đóng BHXH thì ngân sách chi lên tới 600 tỷ đồng;  Sau đó nhóm đối tượng này về hưu, hưởng lương cao hơn hoặc bằng mức chuẩn nghèo tại địa phương đó thì ngân sách sẽ thêm 1.000 tỷ đồng. So với tiềm lực kinh tế hiện nay số tiền không hề lớn, nếu chúng ta biết “tiêu xài” tiết kiệm thì số tiền dư ra còn lớn hơn gấp mấy lần.
 

Đức Thắng (thực hiện)

.